Siết thuế trong thương mại điện tử: Cần đồng bộ về giải pháp và tăng cường phối hợp
Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bùng nổ, việc kiểm soát nghĩa vụ thuế của các cá nhân và tổ chức kinh doanh trên nền tảng số đang trở thành bài toán cấp bách. Mặc dù ngành thuế đã có nhiều động thái mạnh mẽ, nhưng thực trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này vẫn tồn tại do nhiều nguyên nhân.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP yêu cầu các sàn TMĐT định kỳ cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế.
Tăng kiểm soát từ sàn đến tài khoản ngân hàng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu từ TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2024 ước đạt hơn 20 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm trước. Cả nước hiện có trên 100.000 website và ứng dụng TMĐT đang hoạt động, với hàng triệu cá nhân kinh doanh qua Facebook, TikTok, Shopee, Lazada, Tiki...

Vẫn tồn tại hàng chục nghìn trường hợp đang "quên" hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định.
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP yêu cầu các sàn TMĐT định kỳ cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế. Đây được xem là bước ngoặt trong quản lý thuế đối với kinh doanh online.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, nay là Cục Thuế) nhận định, nếu không có sự hợp tác của các nền tảng TMĐT, việc giám sát và xác minh giao dịch của hàng triệu người bán là gần như không thể. Tuy nhiên, để dữ liệu có giá trị, cần chuẩn hóa định dạng, bảo mật và tăng cường kết nối hệ thống.
Ngoài ra, ngành thuế cũng cần từng bước liên thông dữ liệu với hệ thống ngân hàng nhằm đối chiếu dòng tiền từ các tài khoản cá nhân, đặc biệt là những tài khoản có giao dịch bán hàng online với tần suất lớn. Điều này giúp phát hiện các dấu hiệu rủi ro, đồng thời tạo cơ sở xác định doanh thu thực tế để tính thuế chính xác hơn.
Một trong những hướng đi quan trọng hiện nay là ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi giao dịch, nhận diện những dấu hiệu bất thường như chia nhỏ doanh thu, tạo tài khoản ảo, hay luân chuyển tiền qua nhiều kênh.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên gia tư vấn chính sách tài chính số (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng ứng dụng AI để phân tích dữ liệu từ sàn TMĐT, ngân hàng, thuế… nhằm tự động phát hiện các trường hợp gian lận thuế. Tuy nhiên, cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chuyên sâu để thực hiện hiệu quả.
Từ phía các doanh nghiệp, nhiều sàn TMĐT lớn tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng phối hợp với cơ quan thuế, nhưng cũng nêu lên kiến nghị cần rõ ràng về quy trình, trách nhiệm và bảo mật dữ liệu.
Đại diện Shopee Việt Nam cho biết, chúng tôi hiểu rằng việc quản lý thuế là cần thiết để đảm bảo công bằng giữa những người bán hàng. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cần tuân thủ đúng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phải có lộ trình rõ ràng, tránh gây tâm lý hoang mang cho các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Một số người bán hàng cũng lo ngại việc kê khai thuế phức tạp hoặc bị áp mức thuế chưa phù hợp.

Một số người bán hàng vẫn đang lo ngại việc kê khai thuế phức tạp hoặc bị áp mức thuế chưa phù hợp
Anh Trần Hữu Hòa, chủ một cửa hàng thời trang online tại Hà Nội cho biết, tôi sẵn sàng nộp thuế nếu có hướng dẫn cụ thể và công bằng. Nhưng hiện tại, tôi chưa rõ cách tính thuế và không biết doanh thu bao nhiêu thì phải kê khai thuế.
Cần hoàn thiện chính sách và tăng cường tuyên truyền
Theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp công nghệ, điều quan trọng là hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tiễn TMĐT. Hiện nay, ngưỡng doanh thu để người bán phải nộp thuế còn chưa thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong thực thi.
TS. Trần Thị Luyến, Giảng viên Khoa Tài chính công - Học viện Tài chính cho rằng, chúng ta cần phân loại rõ ràng giữa cá nhân kinh doanh thường xuyên, hộ kinh doanh truyền thống và người bán nhỏ lẻ. Với người bán có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, có thể miễn thuế để khuyến khích khởi nghiệp. Nhưng từ ngưỡng này trở lên thì cần kê khai rõ ràng,
Cùng với đó, cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức dễ tiếp cận: video hướng dẫn, chatbot tư vấn, tích hợp kê khai thuế trực tiếp trên sàn TMĐT… Điều này không chỉ giúp người bán hiểu và chấp hành tốt nghĩa vụ, mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa online và offline.
Việc quản lý thuế trong thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo công bằng và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, phức tạp và liên quan đến nhiều bên.

Những giải pháp cần làm ngay