Nhắn tin nhầm số: 'Mỏ vàng' mới của những kẻ lừa đảo
Ngày càng nhiều người dùng Android và iPhone nhận được các tin nhắn ngẫu nhiên và tưởng chừng vô hại. Tuy nhiên, đây lại là một mánh khóe lừa đảo ngày càng phổ biến.
“Khỏe không”, “Xin lỗi, tôi đến trễ. Gặp nhau vào 6h15 tối nay nhé”.
Nếu liên tục nhận được những tin nhắn như trên, bạn không cô đơn. Theo CNBC, những kẻ lừa đảo trực tuyến đang sử dụng mánh khóe nhắn tin “nhầm số” để lừa người dùng điện thoại cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Ann Nagel, đang làm việc tại một trường đại học ở Chicago (Mỹ), nhận được tin nhắn như vậy và đã phản hồi vì nghĩ rằng người gửi có quen biết với mình. Dù vậy, cô nhanh chóng nhận ra trò lừa đảo khi người nhắn tin đề nghị cô tặng một thẻ cào. Nagel kết thúc cuộc trò chuyện ngay lập tức.

Một ví dụ về lừa đảo thông qua giả vờ nhắn tin nhầm số. Ảnh: Global Anti Scam
Steve Grobman, Giám đốc công nghệ hãng bảo mật McAfee, nhận xét những tin nhắn gửi nhầm không hề vô hại. Những kẻ nhắn tin có vô số mục đích khi gửi đi các tin nhắn này. Đầu tiên, chúng muốn xác định số điện thoại có đang hoạt động hay không và chủ nhân có sẵn lòng phản hồi không. Chúng sẽ thêm những số này vào cơ sở dữ liệu để nhắm đến trong các trò lừa đảo về sau.
Sau khi mục tiêu thứ nhất hoàn thành, chúng sẽ cố gắng tạo dựng quan hệ với nạn nhân. Grobman nói thêm, thủ phạm thường làm việc trong một tổ chức tội phạm chuyên nghiệp, có tổ chức. Chúng sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức để đạt mục tiêu cuối cùng, đó là moi tiền. Những trò lừa đảo có hiệu quả cao nhất thường là “pig butchering” (vỗ béo rồi làm thịt): chúng từ từ tạo lòng tin rồi bòn rút tiền của nạn nhân.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, năm 2024, người dân Mỹ thiệt hại 470 triệu USD cho những trò lừa đảo xuất phát từ tin nhắn văn bản, cao gấp 5 lần năm 2020. Trong khi đó, nghiên cứu của McAfee cho thấy cứ 4 người Mỹ lại có 1 người nhận tin nhắn gửi nhầm, dù email vẫn dẫn đầu các phương thức lừa đảo qua mạng phổ biến nhất.
Trí tuệ nhân tạo (AI) khiến những trò lừa đảo vốn tốn nhiều công sức, thời gian trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. AI giúp chúng soạn tin nhắn, quét hồ sơ mạng xã hội và xây dựng mạng lưới gia đình. Grobman cảnh báo người dùng “cần rất thận trọng” và không nên tương tác với những tin nhắn gửi nhầm.
Dù vậy, với một số người, đây là điều rất khó vì tội phạm nghiên cứu rất kỹ tâm lý học. Chúng đánh vào nhu cầu cần sự kết nối của con người, đặc biệt khi sự cô đơn đã lên đến đỉnh điểm và trở thành một “đại dịch”. Những người từng trải qua biến cố hay cô đơn sẽ dễ bị dụ dỗ vào những mối quan hệ xuất phát từ tin nhắn hơn. AI cho phép tội phạm dễ dàng tìm ra những người có vẻ cô đơn trên mạng xã hội rồi kết nối với họ.
Tại Việt Nam, các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và qua điện thoại cũng là một vấn đề nhức nhối, có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm và hậu quả. Theo Báo cáo Tổng kết An ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng smartphone thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo. Ước tính, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm ngoái lên tới 18.900 tỷ đồng. Ba hình thức phổ biến nhất là: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, xác minh kỹ thông tin, cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng và liên hệ ngay với cơ quan chức năng khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.