Siết quản lý người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm

Lướt trang cá nhân của nhiều người nổi tiếng, không khó để bắt gặp những bài quảng cáo đồ phong thủy, tâm linh hoặc thực phẩm chức năng với nội dung giống nhau tới từng chữ. Nhiều quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm khiến dư luận bất an. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được kỳ vọng tạo thêm hành lang pháp lý, giúp thị trường quảng cáo ở Việt Nam trong sạch.

Quảng cáo tràn lan thiếu kiểm chứng

Đầu tháng 10/2024, diễn viên Việt Anh chia sẻ bài viết quảng cáo nội dung mê tín khiến khán giả phản ứng. Bài đăng của nam diễn viên khẳng định chắc nịch về một sản phẩm có tác dụng giải hạn, giảm hạn như sau: “Năm thanh lọc nên những tuổi bị thái tuế như Dần, Thân, Tỵ, Hợi (1986, 1998, 1992, 1980, 1977, 1989, 2001, 1983, 1995) phải hết sức chú ý tài lộc. Hạn thái tuế là cái hạn nặng và đáng sợ nhất, không nên chủ quan nhé. Tôi đã làm nên chia sẻ với mọi người. Đặt xong, giảm hạn thái tuế ổn lắm”.

Dưới phần bình luận, anh còn nói rằng năm nào cũng “thỉnh phong thủy” để xin lộc. Lướt trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ, không khó để bắt gặp những bài quảng cáo đồ phong thủy, tâm linh với nội dung giống nhau tới từng chữ. Hiệu quả của những món đồ này được kiểm chứng chỉ bằng vài lời nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có việc bổ sung chủ thể người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là cần thiết để gắn trách nhiệm của mọi chủ thể đối với chuỗi hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp. Từ đó, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ lành mạnh hơn, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm và có cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý đối với những người tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Một nữ diễn viên phim giờ vàng cũng đăng bài viết quảng cáo chiếc lắc tay “mang ý nghĩa về sự nối kết, cân bằng, kéo dài vô tận về tài lộc, tình duyên, may mắn” và khẳng định từ ngày sở hữu món đồ này, cuộc sống thay đổi rõ rệt. Các diễn viên như Hương Giang, Cát Tường,… cũng bị lên án gay gắt vì quảng cáo địa chỉ xem tử vi, sau đó phải xóa bài đăng trên trang cá nhân.

Nhiều nghệ sĩ từng phải xin lỗi khán giả vì quảng cáo không đúng sự thật

Nhiều nghệ sĩ từng phải xin lỗi khán giả vì quảng cáo không đúng sự thật

Cách đây không lâu, kênh Youtube Shioka - Dứt điểm U xơ - U nang còn đăng tải video dài 6 phút, ghi hình một diễn viên nổi tiếng khen tấm tắc sản phẩm này có tác dụng điều trị dứt điểm u xơ, u nang buồng trứng. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những công dụng quảng cáo không đúng sự thật và vi phạm quảng cáo trên các trang mạng.

Diễn viên Quyền Linh từng xin lỗi khán giả vì thiếu tiết chế khi giới thiệu một sản phẩm điều trị bệnh dạ dày tốt gấp hơn 70 lần so với thành phần curcumin bình thường. Anh khẳng định, vụ việc là bài học sâu sắc sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Đại diện nhãn hàng có hợp đồng quảng cáo với Quyền Linh cũng lên tiếng xin lỗi nghệ sĩ và người tiêu dùng, đồng thời đính chính công dụng của sản phẩm.

Với mỗi bài đăng quảng cáo sản phẩm, nghệ sĩ dễ dàng bỏ túi vài cho tới hàng chục triệu đồng. Video quảng cáo có sự xuất hiện của họ, tất nhiên được trả thù lao cao hơn. Đó cũng là lý do khiến người nổi tiếng dễ dãi khi đăng tải thông tin quảng cáo.

Trách nhiệm của người nổi tiếng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Cơ quan soạn thảo tập trung khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung cơ chế xử lý người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo theo hình thức trải nghiệm. Theo đó, người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, Luật Quảng cáo có nội dung liên quan đến người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng bởi độ lan tỏa các bài viết của họ rất lớn. Vì thế, ý thức trách nhiệm cũng phải cao hơn.

“Dự thảo Luật Quảng cáo đề cập nội dung người có ảnh hưởng quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo ra mối nguy hiểm cho cộng đồng”, ông Nguyễn Trường Sơn nói. Những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai phải được xử lý nghiêm.

Chuyên gia nhấn mạnh, một sản phẩm quảng cáo được cấu thành bởi các chủ thể như: nhãn hàng trả tiền thuê quảng cáo, đơn vị sản xuất ra sản phẩm quảng cáo, các nền tảng chuyển tải quảng cáo, diễn viên, người chuyển tải thông tin, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Các chủ thể này đều có mối liên quan và chịu trách nhiệm với việc quảng cáo sản phẩm.

“Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều loại hình quảng cáo xuất hiện. Luật Quảng cáo được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo ra hành lang pháp lý, giúp ngành quảng cáo phát triển bền vững, làm trong sạch thị trường quảng cáo”, ông Nguyễn Trường Sơn nêu quan điểm.

THU AN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/siet-quan-ly-nguoi-noi-tieng-quang-cao-san-pham-post1685626.tpo
Zalo