Siết quản lý chương trình liên kết đào tạo trong giáo dục đại học: Phải sớm loại bỏ tình trạng 'vàng thau lẫn lộn'!

Hiện nay, nhiều chương trình đào tạo gắn mác nước ngoài nhưng tuyển sinh đầu vào lại yêu cầu thấp, thậm chí chất lượng tuyển sinh còn kém xa nhiều chương trình trong nước. Vỏ bọc là đào tạo đại học nhưng thực chất nhằm mục đích tạo nguồn cho xuất khẩu lao động, dẫn đến tình trạng 'vàng thau lẫn lộn' trong đào tạo liên kết tại bậc đại học, gây lãng phí nhiều nguồn lực xã hội.

Đua nhau mở liên kết đào tạo để hút tuyển sinh

Nắm bắt xu hướng, nhu cầu học tập trong môi trường giáo dục toàn cầu ngày một tăng nên nhiều trường đại học Việt Nam đã tiến hành liên kết đào tạo với nhiều trường đại học ở nước ngoài, đưa nhiều chương trình giảng dạy từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hơn để về giảng dạy tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có trên 400 chương trình liên kết có yếu tố nước ngoài với hơn 44 cơ sở giáo dục đại học đang triển khai chương trình liên kết.

Thực tế cho thấy, việc các trường mở rộng quy mô đào tạo liên kết có sự tham gia của những trường đại học danh tiếng của Việt Nam cũng như nhiều trường đại học mới thành lập với sự đa dạng về hình thức đã tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam trong lựa chọn học tập.

Đơn cử, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang thực hiện 13 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và 6 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc cao học và 1 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ, hợp tác với các trường Đại học tại châu Âu (Anh, Pháp), Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang có các chương trình liên kết đào tạo bậc đại học với các trường đến từ Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Anh, Niu-Di-Lân, Pháp, Úc. Các chương trình liên kết đào tạo các chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí - Chế tạo máy, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Khoa học Máy tính, Hệ thống thông tin, Quản trị kinh doanh, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.

Tại Trường Đại học Ngoại thương, trường có 11 chương trình Cử nhân Quốc tế, liên kết với gần 30 trường đại học đối tác uy tín. Trong đó, có 9 chương trình đào tạo bậc cử nhân, 2 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ.

 Liên kết với nước ngoài phải thực sự là đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội.

Liên kết với nước ngoài phải thực sự là đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh các trường có danh tiếng thì nhiều trường mới thành lập, trường đại học ở các địa phương cũng mở rộng các chương trình liên kết với bên ngoài và tổ chức tuyển sinh rầm rộ. Có thực tế, nhiều chương trình gắn mác quốc tế nhưng tuyển sinh dễ dãi, nhiều thông tin không công khai rõ nhưng kiểm định chất lượng, đội ngũ giáo viên là người nước ngoài khiến cho phụ huynh, sinh viên như bước vào một ma trận đào tạo.

Chị Nguyễn Thu Hằng ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, việc nhiều trường đại học mở các chương trình liên kết mặc dù học phí cao nhưng cơ hội để sinh viên ra nước ngoài học tập, lao động, công tác cũng rất lớn. Vì thế, xu hướng đào tạo liên kết là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, với những học sinh chú trọng vào chất lượng các văn bằng thay vì cơ hội để đi xuất khẩu lao động từ các chương trình liên kết thì nên tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký theo học.

“Hiện nay, nhiều mô hình liên kết đào tạo với các đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tạo điều kiện cho sinh viên sau khi ra trường sang khu vực này lao động. Sự ưu việt này khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhất là những bạn xác định đi xuất khẩu lao động. Trong khi đó, về chất lượng đào tạo chưa thực sự yên tâm” – chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.

Bàn về thực trạng khó kiểm soát trong chất lượng đào tạo liên kết, nhiều người cũng lo lắng vì có quá nhiều mô hình, nhiều kiểu liên kết khác nhau trong các trường đại học. PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từng cho biết, việc cho các trường tự chủ song lại thiếu chế tài giám sát, đánh giá, xếp hạng cho các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài của Việt Nam dẫn đến một “làn sóng” các chương trình liên kết ồ ạt ra đời và được xếp chung vào một giỏ không kể chất lượng, “vàng thau lẫn lộn”.

Các chương trình này cũng chưa có danh sách trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến việc học sinh gặp khó khăn khi tìm kiếm các thông tin chính thống, khách quan về các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài. Phụ huynh thì bối rối, không biết đâu là chương trình uy tín, có chất lượng để con em theo học. Ngoài ra, do sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng các chương trình liên kết đào tạo mà sự cạnh tranh giữa các chương trình quốc tế hiện nay khá căng thẳng.

Không thể để tình trạng bằng quốc tế, chất lượng kém xa trong nước

Bài toán quản lý các chương trình liên kết đã được đặt ra cấp thiết trong thời gian dài nhằm ngăn chặn tình trạng “học thật” nhưng bằng giả, hoặc học giả nhưng bằng thật, hoặc học thật, bằng thật nhưng chất lượng giả.

Thực tế cho thấy, có đến 62,71% chương trình liên kết đại học nước ngoài chưa được xếp hạng, kiểm định chất lượng, tuyển sinh đầu vào ồ ạt, năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT để căn cứ tuyển sinh tương đối thấp. Trước thực trạng đó, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định các trường đại học có chương trình liên kết phải có trách nhiệm công khai cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội về cơ sở giáo dục, cụ thể là cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, phụ huynh học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.

Bàn về những quy định mới này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình. Theo bà, việc siết chặt các quy định trong đào tạo liên kết đại học trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết. Bởi, thực trạng chất lượng đào tạo liên kết trở thành một vấn đề được đặt ra cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học ngày càng quốc tế hóa trong chương trình đào tạo.

“Liên kết đào tạo trong đại học giúp cho sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập chương trình của các trường đại học danh tiếng, ngoài ra học sinh được hội nhập toàn cầu, có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia đó là điểm mạnh. Tuy nhiên, cũng có tình trạng các chương trình gắn mác quốc tế để thu tiền trong khi chất lượng kém xa các chương trình trong nước. Chúng ta cần là những chương trình có chất lượng, không phải chỉ là bằng cấp do cơ sở nước ngoài cấp” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị An cũng lo lắng, quy định quản lý là một chuyện nhưng vấn đề thực hiện lại cần phải tính đến. Hiện nay, các trường đại học đều bắt buộc phải công khai đề án tuyển sinh, công khai “3 công khai” nhưng nhiều trường cố tình công khai không đúng sự thật, công khai đối phó, tung hỏa mù thông tin trước mỗi mùa tuyển sinh vẫn chưa thể chấn chỉnh. “Có quy định nhưng việc các trường cố tình làm gian dối thì cần thiết phải xử lý nghiêm, tránh tình trạng tung hỏa mù thông tin” – bà Bùi Thị An chia sẻ.

Có thể thấy, giáo dục đại học đang ngày càng quốc tế hóa, đi kèm với đó là thương mại hóa. Nhiều lúc, nhiều nơi, tình trạng thương mại hóa được chú trọng hơn chất lượng đào tạo chính là thách thức của các nhà quản lý. Nếu quản lý buông lỏng thì việc liên kết quốc tế sẽ không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. “Phụ huynh bỏ tiền nhiều để con theo học chương trình quốc tế nhưng kết quả học tập, chất lượng lại không bằng trong nước là một sự lãng phí” – bà Bùi Thị An lo lắng.

Qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, siết chặt đào tạo liên kết quốc tế cần thiết phải làm nghiêm túc. Các chương trình đào tạo liên kết đã đến lúc phải kiểm soát từ khâu tuyển sinh đầu vào cho đến chất lượng đầu ra. Không thể để tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong đào tạo liên kết ở bậc đại học.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/siet-quan-ly-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-trong-giao-duc-dai-hoc-phai-som-loai-bo-tinh-trang-vang-thau-lan-lon-post318199.html
Zalo