Khắc ghi lời Bác, xây dựng Học viện Chính trị có vị thế và uy tín lớn

Cách đây 73 năm, chấp hành chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy đã quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 7-1951) - tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay.

Ngay từ khi thành lập, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy; được vinh dự đón Bác Hồ 3 lần về thăm. Ngày 25-10-1951, tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên-nơi đóng quân của nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và huấn thị cho cán bộ, học viên khóa bồi dưỡng cán bộ đầu tiên của nhà trường. Để ghi nhớ công ơn của Đảng và Bác Hồ, thể theo nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường, được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 25-10 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Học viện Chính trị.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”, trải qua 73 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự giáo dục, rèn luyện của Bác; sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, các cơ sở cách mạng, các cơ quan, đơn vị và bạn bè quốc tế; các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Chính trị luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; luôn kiên định, đoàn kết, sáng tạo, không quản ngại gian khổ, hy sinh; ra sức thi đua cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng và phát triển Học viện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn quân sự có vị thế, uy tín lớn của Quân đội và quốc gia.

 Các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024 của Học viện Chính trị nhận Cờ thi đua của Học viện trao tặng. Ảnh: TUẤN VIỆT

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024 của Học viện Chính trị nhận Cờ thi đua của Học viện trao tặng. Ảnh: TUẤN VIỆT

Năm học 2023-2024, Học viện Chính trị đã tập trung điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy-học; đã xây dựng mới 14 chương trình đào tạo; bổ sung, phát triển chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 18 chương trình đào tạo sau đại học; nghiệm thu và vận hành 44 chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, triển khai xây dựng chuẩn đầu ra, ma trận chuẩn đầu ra 587 học phần (môn học). Đẩy mạnh sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, nhất là mô hình “Lớp học đảo ngược”, phương pháp dạy học “đảo chiều”; hoạt động dạy học đã hướng vào phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, chất lượng giảng dạy và các hình thức sau bài giảng không ngừng được nâng lên.

Công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục-đào tạo có sự đổi mới, thực hiện nền nếp. Tổ chức thi, chấm thi, đánh giá khóa luận, luận văn, luận án và phân loại tốt nghiệp các đối tượng chặt chẽ, đúng quy chế. Hệ thống trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, phòng học chuyên dùng được nâng cấp hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và chuyển đổi số ở Học viện.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đã có bước phát triển toàn diện theo hướng chuẩn hóa, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện Chính trị có trình độ đại học và sau đại học, tỷ lệ sau đại học chiếm hơn 90%.

Cùng với nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Học viện đã có những bước phát triển toàn diện, vững chắc, góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra chủ trương, đường lối, nhất là trong hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối của Đảng.

Năm học vừa qua, Học viện đã tham gia nghiên cứu và đưa vào sử dụng 2 đề tài cấp quốc gia, 6 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 13 đề tài cấp ngành, hơn 130 đề tài cấp Học viện, đề tài lịch sử quân sự; hơn 100 đề tài cấp phòng, khoa, ban, hệ; biên soạn 79 giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, sách lịch sử, chuyên đề.

Hàng trăm bài báo của cán bộ, giảng viên, học viên đăng trên các báo, tạp chí đã góp phần làm rõ những quan điểm, tư tưởng trong các nghị quyết của Đảng và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng. Học viện luôn là đơn vị đi đầu trong tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Năm 2024, Học viện đoạt 1 giải A, 2 giải C cấp toàn quốc; đoạt 3 giải A, 4 giải B, 2 giải C, 8 giải khuyến khích cấp toàn quân trong Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư.

Với những thành tích nổi bật, toàn diện, năm học vừa qua, Học viện Chính trị đã có 3 tập thể, 8 cá nhân vinh dự được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 2 tập thể, 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 18 tập thể, 39 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cùng nhiều danh hiệu thi đua của các cấp, các ngành.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, để xây dựng Học viện xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, giảng viên khoa học xã hội, nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia, Học viện Chính trị đã xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2030, với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, thời gian tới, Học viện tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục-đào tạo.

Hai là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, thực hiện nghiêm quy trình nghiên cứu, biên soạn, giữ vững và nâng cao chất lượng các công trình khoa học, bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện nhiệm vụ trên giao có chất lượng cao, bảo đảm tiến độ.

Ba là, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thực hiện đạt kết quả tốt Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng động cơ, thái độ trách nhiệm đúng đắn, tinh thần đoàn kết của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ; triển khai có hiệu quả Phong trào Thi đua Quyết thắng, coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến; ngăn chặn không để những tiêu cực của xã hội ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong Học viện.

Năm là, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 79/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; Kế hoạch xây dựng đơn vị điểm về “Huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật”.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/nha-truong-quan-doi/khac-ghi-loi-bac-xay-dung-hoc-vien-chinh-tri-co-vi-the-va-uy-tin-lon-799936
Zalo