Siết dạy thêm, học thêm: Tránh hiểu sai, áp dụng máy móc
Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều phụ huynh lo lắng, nhà trường sẽ dừng dạy học 2 buổi/ngày, dừng ôn thi cuối cấp khiến học sinh vất vả tìm chỗ học.
Quy định cấm dạy thêm các môn văn hóa đối với lớp 1 nhận được sự ủng hộ của nhiều người vì từ nay sẽ chấm dứt cảnh, hết giờ học chính khóa trên lớp, học sinh bị “tha lôi” đi học thêm ở ngoài đến tối mịt. Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng về việc dừng học buổi hai và dừng ôn thi cuối cấp vì vướng một số khó khăn.
Thầy Vũ Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), cho biết, nhà trường vẫn đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và chờ hướng dẫn thêm của cơ quan quản lí. “Dù khó khăn, nhưng việc đảm bảo chất lượng là cần thiết và là việc phải làm nên trước mắt, nhà trường vẫn sẽ động viên thầy cô bồi dưỡng học sinh cuối cấp để đạt điểm số tốt trong kỳ thi vượt cấp. Về lâu dài, hi vọng có nguồn tiền hỗ trợ để nhà trường trả tiền công cho đội ngũ nhà giáo”, thầy Hải nói.
Trên diễn đàn mạng, phụ huynh đưa thông tin về việc một trường THCS thông báo dừng tổ chức học buổi hai kể từ ngày 10/2. Học sinh nghỉ học tất cả các buổi chiều trong tuần. Thông tin này khiến phụ huynh lo lắng vì sẽ phải đón con vào các buổi trưa và nghĩ cách quản lý buổi chiều.
![Không bị ép học thêm, học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí... Ảnh: Hồng Vĩnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_20_51447009/10a2fdbfc9f120af79e0.jpg)
Không bị ép học thêm, học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí... Ảnh: Hồng Vĩnh
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, bản chất của Thông tư 29 không phải quy định cấm hoàn toàn mà là tăng cường quản lý về dạy thêm, học thêm. Thực tế, một số trường học đã có tâm lý co cụm, né tránh, áp dụng máy móc như dừng hẳn hoạt động dạy học buổi 2 hoặc dừng hoạt động ôn thi cuối cấp là không đúng bản chất.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, đơn vị đã quán triệt các trường học về việc, thực hiện đúng các nội dung quy định trong thông tư dạy thêm, học thêm. Theo bà Hằng, đối với các trường học có điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để tổ chức dạy học hai buổi/ngày sẽ vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch dạy học như trước, không bỏ buổi hai.
Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng khẳng định, các hoạt động dạy thêm, học thêm trái với quy định sẽ phải dừng kể từ ngày 14/2. Riêng các trường có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không trái quy định trong thông tư nên không phải dừng.
Ôn thi cuối cấp gặp khó
Theo hiệu trưởng các trường THCS - THPT, một vấn đề khó hiện nay là hoạt động ôn thi cuối cấp không được thu phí sẽ khó có thể duy trì.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, để đảm bảo đỗ tốt nghiệp không phải là bài toán khó nhưng học sinh muốn đỗ các học viện, đại học top trên sẽ vất vả, thiệt thòi hơn khi phải đến các trung tâm để học thêm.
Vị hiệu trưởng trường THCS cũng khẳng định, nếu không được thu tiền học thêm ôn thi cuối cấp theo đúng tinh thần của thông tư mới, giáo viên sẽ không tham gia ôn luyện. Khi đó, học sinh sẽ phải tự tìm lớp ở các trung tâm để học nhằm đạt điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi vào trường chuyên.
Trong khi đó, phụ huynh kỳ vọng, giáo viên có thể nhận từng nhóm nhỏ học sinh cuối cấp để bồi dưỡng, ôn luyện cho các em chuẩn bị các kỳ thi lớn nhưng nội dung này hiện cũng vướng quy định.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm nhưng tìm giải pháp để quản lý hiệu quả. Về nguyên tắc, các trường thực hiện đúng thời lượng tiết học theo quy định đã đảm bảo kiến thức cho học sinh. Với trường hợp giáo viên muốn dạy theo nhóm nhỏ học sinh nhưng nếu có thu tiền đều phải thực hiện theo đúng quy định của thông tư. Đó là tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.