Siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, nhằm giải quyết những bất cập trong thực tiễn. Thông tư có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành: Không dạy thêm đối với cấp tiểu học; dạy thêm trong nhà trường không được thu phí; không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh...
![Giờ học của cô và trò Trường THCS Hùng Sơn (Đại Từ).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_458_51466931/8958a8be99f070ae29e1.jpg)
Giờ học của cô và trò Trường THCS Hùng Sơn (Đại Từ).
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý chạy theo thành tích của một số trường học, một số giáo viên và sự lo lắng của nhiều phụ huynh sợ con em mình không bằng chúng, bằng bạn. Thêm nữa, trong thời gian qua, các quy định trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động dạy thêm, học thêm chưa rõ ràng.... Thông tư 29 được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế nêu trên, đồng thời, nhằm siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm tại các địa phương.
Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Sở đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế về dạy thêm, học thêm, trên cơ sở bám sát những nội dung của Thông tư 29 và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Qua đó, nhằm quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời, gắn trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong tổ chức và thực hiện dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 29 đó là: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp...
![Học sinh THCS tự giác ôn tập kiến thức vào các buổi chiều hằng tuần.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_458_51466931/a85f8bb9baf753a90ae6.jpg)
Học sinh THCS tự giác ôn tập kiến thức vào các buổi chiều hằng tuần.
Ghi nhận tại huyện Đại Từ, 23/23 trường tiểu học không có hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường. Trường THCS Hùng Sơn và 22 trường THCS đã tạm dừng hoạt động dạy thêm, học thêm từ trước Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư 29. Tuy nhiên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường đã có kế hoạch tổ chức dạy học không thu tiền để bồi dưỡng, tăng cường kiến thức cho học sinh có kết quả học tập chưa đạt đối với các môn học; đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn tập kiến thức cho các em học sinh lớp 9 theo đúng quy định, hướng dẫn, nhằm hỗ trợ các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới.
Không chỉ tại huyện Đại Từ, mà hiện nay 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh không tổ chức dạy thêm, học thêm; các trường THCS, THPT tạm dừng hoạt động dạy thêm, học thêm chờ quy định, hướng dẫn của tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Túc Duyên (TP. Thái Nguyên): Là cán bộ quản lý, tôi gương mẫu chấp hành và tuyên tuyền, đôn đốc cán bộ, giáo viên thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm. Bản thân tôi và các cô giáo trong trường không dạy thêm tại nhà. Đồng thời, tôi sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của cá nhân, như: Tổ chức dạy thêm miễn phí đối với học sinh lớp 9 và tăng cường bồi dưỡng đối với học sinh giỏi, học sinh chưa đạt theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra đối với giáo viên đang dạy học tại trường khi tham gia hoạt động dạy thêm bên ngoài nhà trường.
Cho đến thời điểm này, các quy định của Thông tư 29 cơ bản nhận được sự đồng tình từ xã hội. Tuy nhiên, để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, các nhà trường, thầy cô và toàn xã hội cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Bên cạnh tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm tại địa phương, Sở GD&ĐT cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, tổ chức và cá nhân liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm và xử lý theo đúng thẩm quyền... để việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo lợi ích của học sinh, không có sự ép buộc và giữ gìn hình ảnh, sự tôn nghiêm của nhà giáo, đồng thời mỗi học sinh không phải học thêm quá nhiều...