Siết chặt quản lý, bảo vệ ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 3,4 tỷ USD- động lực chính tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Siết chặt quản lý là cách bảo vệ ngành hàng xuất khẩu tỷ đô này.

Chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục 7,2 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Đây là bước nhảy vọt đầy ấn tượng, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai gần.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ở các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Ảnh: TL

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ở các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Ảnh: TL

Trong các mặt hàng xuất khẩu, sầu riêng chiếm ưu thế khi mang về khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tăng gấp 7,8 lần so với năm 2022. Chuối tươi cũng ghi nhận bước tiến lớn, đạt doanh thu 380 triệu USD, tăng trưởng 30%, vượt qua các đối thủ mạnh như Philippines và Ecuador tại thị trường Trung Quốc.

Còn theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2024, nhập khẩu sầu riêng của nước này đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 6,83 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ các nguồn cung Việt Nam, Philippines, Malaysia, nhưng giảm nhập khẩu từ Thái Lan. Trong đó, Việt Nam chiếm 47% thị phần tại thị trường này.

Giá bình quân nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong 11 tháng năm 2024 đạt mức 4.464 USD/tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam vào Trung Quốc giảm 8%, xuống mức 3.975 USD/tấn; từ Philippines giảm 31,8%, xuống 2.408 USD/tấn. Ngược lại, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc tăng 0,6%, lên mức 4.938 USD/tấn.

Đáng chú ý, mới đây, trang CNBC đưa tin, Việt Nam đã trở thành “gã khổng lồ” mới trên thị trường sầu riêng toàn cầu, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,3 tỷ USD năm 2024.

CNBC đánh giá, Việt Nam đã đạt được thành công vượt trội nhờ vào chiến lược tổng thể bao gồm nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường quốc tế. Với diện tích trồng sầu riêng lên tới 150.000 ha, Việt Nam tận dụng hiệu quả các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng cao để sản xuất sầu riêng chất lượng cao quanh năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thương mại chiến lược với Trung Quốc qua Nghị định thư xuất khẩu năm 2022, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, theo dõi sản phẩm và áp dụng công nghệ đông lạnh hiện đại.

Siết chặt quản lý, bảo vệ ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Việt Nam vẫn đang cố gắng vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, ngành phối hợp địa phương nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì.

Một cơ sở đóng gói sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trần Cao

Một cơ sở đóng gói sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trần Cao

Đến nay, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói; riêng năm 2024, đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói cho các loại quả tươi: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... Đây là các mã số gắn với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhận định, với sự cầu thị và hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2025, ngành rau quả sẽ tiếp tục có kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Và dự báo, đến năm 2030 xuất khẩu rau quả sẽ đạt kim ngạch 10 tỷ USD, ngang ngửa với kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Nói về hướng đi sắp tới cho ngành hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, ngoài mặt hàng chủ lực như sầu riêng thì cần đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các loại trái cây khác có tiềm năng như chuối, xoài, thanh long… Bên cạnh đó, song song với xuất khẩu trái cây tươi thì cần thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu rau quả chế biến. Đồng thời, chất lượng sản phẩm rau quả Việt sẽ được nâng cao hơn nữa, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Đồng quan điểm về việc này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho biết, mỗi thị trường nhập khẩu đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật khác nhau và rất khó khăn. Như ở Hoa Kỳ cấm 7 hoạt chất dư lượng, sẽ yêu cầu mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cấp. Trong khi đó, ở EU mặc dù cho tất cả mặt hàng trái cây Việt xuất khẩu vào mà không cần phải đàm phán nhưng lại yêu cầu cấm đến 36 hoạt chất dư lượng và họ kiểm tra ngẫu nhiên mỗi lô hàng.

Hay như với thị trường Trung Quốc cũng có những hàng rào kỹ thuật, ngoài mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do phía Trung Quốc cấp thì họ cũng thường xuyên kiểm tra những chất như kim loại nặng hoặc thêm những yêu cầu mới. Điều này đòi hỏi ngành hàng rau quả Việt phải luôn luôn theo dõi thị trường, có sự bám sát để đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường đó. Bên cạnh đó, điều quan trọng mà ngành hàng này cần làm trong thời gian tới là phát triển mạnh công nghệ bảo quản sao cho thật tốt để có thể đi xa khi vận chuyển bằng đường biển và tiêu thụ được số lượng lớn.

Liên quan đến vấn đề này, để tăng cường quản lý chất lượng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị siết chặt kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tuyên truyền, tập huấn để phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu.

Đặc biệt, cơ quan chuyên môn phải thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Cục Bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu phải gửi văn bản thông báo về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Trong thông cáo nêu rõ về dự kiến khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.

Theo ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sở, ngành, cơ quan chức năng để tránh hệ lụy về sau. Đây cũng là cách để chúng ta cùng nhau chung tay bảo vệ uy tín của các ngành hàng, đặc biệt là với ngành sầu riêng.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - nhận định: Tăng trưởng của toàn ngành rau quả Việt Nam năm 2025 có thể sẽ đạt trên hai con số, dự kiến khoảng 15 - 16%.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/siet-chat-quan-ly-bao-ve-nganh-hang-xuat-khau-ty-usd-369047.html
Zalo