Siết chặt kiểm soát sản phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng
Hàng loạt sản phẩm từ sữa bột đến thực phẩm chức năng đang bị làm giả, quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Tại Bình Thuận, việc kiểm nghiệm, lấy mẫu đang được tăng cường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sản phẩm giả, quảng cáo sai sự thật gia tăng
Theo Bộ Y tế, trong quý I/2025, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Hàng loạt vụ việc quy mô lớn bị lực lượng chức năng phát hiện và khởi tố. Điển hình là vụ sản xuất, buôn bán 12 loại sữa bột giả do Bộ Công an điều tra, cùng nhiều trường hợp làm giả thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mì chính, hạt nêm, dầu ăn… Ngoài ra, một số thực phẩm chức năng còn bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Máy phân tích định tính, định lượng các chất có trong thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu.
Đáng chú ý, nhiều công ty vi phạm sử dụng các chiêu trò tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và đánh lừa người dân. Họ gắn nhãn hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng thực chất là hàng sản xuất trong nước với chất lượng kém; giả mạo bao bì, nhãn hiệu nổi tiếng cho sữa bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, gia vị. Nhiều doanh nghiệp còn lập nhiều công ty để mở rộng mạng lưới phân phối, thậm chí lợi dụng bác sĩ, người nổi tiếng... để quảng cáo sai công dụng, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm chức năng và sữa bột.
Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận cao, chi phí sản xuất thấp, cùng với những lỗ hổng trong cơ chế quản lý – đặc biệt là quy trình tự công bố sản phẩm còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thêm vào đó, nhiều người tiêu dùng thiếu kiến thức, dễ tin vào quảng cáo và mua hàng không rõ nguồn gốc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, nhưng công tác kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn như pháp lý thiếu đồng bộ, hậu kiểm chưa hiệu quả, nhân lực và kinh phí hạn chế. Trong khi, hoạt động buôn bán online, sàn thương mại điện tử, hàng “xách tay” phát triển quá nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Không đủ cơ số mẫu kiểm nghiệm
Trong bối cảnh đối mặt với nạn sản phẩm giả, Bình Thuận đang nỗ lực siết chặt kiểm soát chất lượng. Theo Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh, trong quý I/2025, 100% mẫu tân dược (151 mẫu), đông dược (14 mẫu) và thực phẩm chức năng (25 mẫu) được kiểm nghiệm đều đạt chuẩn chất lượng. Đây là kết quả cho thấy công tác quản lý chất lượng sản phẩm y tế tại địa phương đang được thực hiện nghiêm túc, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, công tác kiểm nghiệm mỹ phẩm và dược liệu vẫn còn nhiều thách thức. Thị trường mỹ phẩm tại Bình Thuận rất đa dạng, được phân phối qua nhiều kênh như nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ. Tuy nhiên, tại mỗi điểm bán, số lượng sản phẩm cụ thể thường không nhiều, dẫn đến không đủ cơ số mẫu để kiểm nghiệm đúng quy định.
Ông Võ Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh chia sẻ: Việc lấy mẫu mỹ phẩm thực hiện tại các nhà thuốc, quầy thuốc thuộc sự quản lý ngành y tế. Tuy nhiên, đa số các cơ sở này chỉ kinh doanh số lượng nhỏ, không đủ mẫu để kiểm nghiệm theo quy định. Vì vậy, trung tâm tăng cường lấy mẫu, dù khối lượng thu được vẫn còn hạn chế do đặc thù phân phối nhỏ lẻ. Tương tự, việc kiểm nghiệm dược liệu, tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền, số lượng dược liệu thường không đủ để lấy mẫu. Riêng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trung tâm đang chuẩn bị triển khai việc lấy mẫu trong thời gian tới. Trung bình mỗi năm, đơn vị lấy mẫu dược liệu 1 - 2 lần/1 cơ sở.
Phát hiện sớm, xử lý nghiêm
Để tăng cường hiệu quả phòng chống thực phẩm giả, Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý về an toàn thực phẩm, sửa đổi các luật và nghị định liên quan, đồng thời nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm cũng được xem là cần thiết nhằm hỗ trợ công tác quản lý. Bộ Y tế nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương đưa ra kết luận đối với các vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả như sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính giả... Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, vi phạm quảng cáo thực phẩm; đặc biệt, trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng trực tuyến và có sự tham gia của người nổi tiếng.
Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan công an (Bộ Công an) xử lý các vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, tăng cường hậu kiểm các sản phẩm dễ bị làm giả, đặc biệt là sản phẩm dành cho đối tượng nhạy cảm, kiểm nghiệm chất lượng và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết hàng giả và khuyến khích tố giác tội phạm.
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Bình Thuận cho biết: 9 tháng năm 2025, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc lấy mẫu mỹ phẩm tại các nhà thuốc, quầy thuốc và mở rộng đến các cơ sở sản xuất nhằm phát hiện sớm nguy cơ vi phạm. Với dược liệu, thì ưu tiên lấy mẫu tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền quy mô lớn, kho của bệnh viện có khoa y học cổ truyền và lấy thêm mẫu thuốc đông dược. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu thuốc tại vùng sâu, vùng xa – nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Quá trình này, sẽ chú trọng hạn sử dụng, nguồn gốc thuốc và các loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép, đặc biệt là nhóm thuốc đông dược và y học cổ truyền. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và mỹ phẩm, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở Y tế, Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh.