Sen Tây Hồ, nồng nàn hương Hà Nội

Hà Nội nức tiếng với sen bách diệp và nhiều sản phẩm từ sen được công nhận chất lượng OCOP, nhưng nếu như không có chủ trương để bảo tồn và phát triển giống sen truyền thống như sen bách diệp, nguy cơ mất các giống sen quý và các sản phẩm từ sen là khó tránh khỏi.

Đưa hương sen trở lại

Những ngày cuối tháng 7, quanh hồ Tây hàng nghìn bông hoa sen bách diệp trăm cánh đua nở, tạo nên một khung cảnh nên thơ, rực rỡ. Vào các buổi chiều muộn, người dân nô nức đến hồ Đầu Đồng, hồ Thủy Sứ để ngắm những bông sen đặc trưng của hồ Tây khoe sắc. Nắng hoàng hôn cùng hương sen thơm ngát tạo nên một khung cảnh dạt dào cảm xúc.

Mùa sen nở mở ra không gian cho du khách đến thưởng lãm.

Mùa sen nở mở ra không gian cho du khách đến thưởng lãm.

Sen bách diệp nguyên gốc từ khu vực hồ Tây. Gọi là bách diệp bởi mỗi bông sen có tới 100 cánh. Bông ít cũng không dưới 90 cánh, bông nhiều có thể lên đến 120 cánh. Độc đáo như vậy nên sen bách diệp từ xa xưa đã là niềm tự hào của người dân vùng đất Thăng Long.

Loài sen bách diệp vốn từ bao đời gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh và đi sâu vào cuộc sống của người dân Hà Nội. Tuy nhiên thời gian qua, diện tích trồng giống sen này bị thu hẹp đi rất nhiều. Thực tế, đã có những ao, hồ từng nổi tiếng về sen nhưng nay không còn thấy bóng dáng loài sen này. Đây là nỗi trăn trở của người dân làng Quảng An và những gia đình có truyền thống làm nghề trà ướp sen từ hàng trăm năm nay.

Sen bách diệp được trồng khôi phục tại đầm Đầu Đồng.

Sen bách diệp được trồng khôi phục tại đầm Đầu Đồng.

Bà Lưu Thị Hiền, chủ thương hiệu “trà sen Hiền Xiêm” đã được UBND quận Tây Hồ công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, chia sẻ nỗi lo đau đáu của người “sống chết” với nghề truyền thống mà cha ông để lại. Bà Hiền cho biết, làm trà ướp sen là nghề làm thơm cho đời nhưng đầy vất vả, tần tảo một nắng hai sương. Muốn có trà sen thì không thể thiếu sen, mà không thể lấy sen ở đâu khác ngoài sen bách diệp trồng ở hồ Tây.

Theo nhiều nghệ nhân về sen, muốn sen và trà sen trở thành thương hiệu của Thủ đô thì phải bảo tồn và phát triển được vùng trồng sen, giống sen trồng phải là loài sen bách diệp. Bởi chỉ có Tây Hồ mới có đủ điều kiện thổ nhưỡng cho loại sen này phát triển. Nhiều năm qua, khi tình trạng đô thị hóa tăng tốc, nhiều đầm trồng sen xung quanh Hồ Tây bị thu hẹp, diện tích trồng sen không còn nhiều, môi trường trồng sen bị ô nhiễm do nước thải không được kiểm soát, dẫn đến nguy cơ mất đi diện tích trồng sen cùng giống sen quý.

Với những nỗ lực khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình “Sản xuất hoa sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại quận Tây Hồ với quy mô 7 ha tại 2 đầm sen Đầu Đồng và Thủy Sứ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay mô hình đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Sen sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa rất đẹp vào đúng dịp Lễ hội Sen năm 2024 qua đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Tâm huyết với việc khôi phục dòng sen bách diệp, ông Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu Rau quả nhận định, sen bách diệp là một giống sen rất quý. Tuy nhiên sau thời gian dài trồng trong môi trường tự nhiên giống sen đa số đều bị thoái hóa, do thời gian, sâu bệnh và thời tiết. Điều này làm chất lượng sen hiện tại giảm sút và năng suất kém đi, sâu bệnh nhiều hơn. Việc quan trọng trong việc bảo tồn là phải phục hồi được nguồn gene.

“Tây Hồ muốn phát triển sen phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Những vấn đề như cơ chế tổ chức, quản lý đầm sen làm sao cho phù hợp cần đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, các địa phương nên có những cơ chế đấu thầu có chọn lọc, không chỉ hướng tới mục đích kinh tế mà còn nhằm phát triển giống sen lâu dài. Bên cạnh đó, các đầm sen cũng cần được quản lý được nguồn nước, áp dụng các biện pháp khoa học như tháo nước, xử lý đất, đưa các giống sen mới vào và áp dụng quy trình chăm sóc phù hợp,... có như vậy sen mới có khả năng khôi phục và phát triển”, ông Đông hiến kế.

Thưởng trà sen Hà Nội.

Thưởng trà sen Hà Nội.

Để sen gắn với phát triển chuỗi sản phẩm Thủ đô

Hà Nội hiện có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP; trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ, điều đáng tự hào nhất của sen bách diệp Tây Hồ là đã góp phần hình thành nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, nhất là thú thưởng trà sen. Hiện nay, trên địa bàn quận có 129 người làm nghề ướp trà, chủ yếu tập trung tại phường Quảng An, với khoảng gần 100 người có khả năng truyền dạy. Tây Hồ cũng là trung tâm trà sen lớn nhất cả nước, với sản lượng 600-800 kg trà sen khô mỗi năm, chưa kể hàng chục nghìn sản phẩm trà ướp bông sen cung cấp ra thị trường.

Với trí tuệ và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, doanh nhân Hà Nội, hoa sen đã tạo dấu ấn trên thị trường, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng tầm du lịch Thủ đô. Đến nay, trà sen Quảng An (quận Tây Hồ) là sản phẩm OCOP chứng nhận 4 sao. Có thể kể đến các sản phẩm chứng nhận OCOP khác về sen như khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao) của nghệ nhân Phan Thị Thuận làng dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Đặng Văn Đông, để phát triển và trồng sen lâu dài, ngoài ưu tiên về bảo tồn vẻ đẹp của hoa thì vấn đề thu hái, chế biến, thương mại cũng vô cùng quan trọng. Cần có định hướng cụ thể để đạt được mục đích cuối cùng là giúp người dân trồng sen thu được hiệu quả kinh tế cao.

Với tiềm năng giá trị rất lớn từ cây sen, trong thời gian tới khi hiệu quả của việc khôi phục giống sen bách diệp được rõ rệt, Tây Hồ hứa hẹn sẽ đi đầu trong công tác thúc đẩy bảo tồn và phát triển ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm sen…

Đóng vai trò then chốt, sen Tây Hồ là nguồn lực dồi dào để Hà Nội khai thác và phát triển các sản phẩm từ sen, thu hút du khách và thúc đẩy kinh tế - văn hóa phát triển. Nếu được phát triển thành thương hiệu của Hà Nội, của quốc gia, sen Tây Hồ sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch Thủ đô.

Phùng Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sen-tay-ho-nong-nan-huong-ha-noi-post1676855.tpo
Zalo