SEA Games 33 không đơn giản với bóng bàn
Đại diện Cục Thể dục thể thao Việt Nam mới đây đã đề cập đến mục tiêu giành ít nhất 1 HCV tại SEA Games 33 vào cuối năm nay tại Thái Lan. Nhưng không đơn giản để thực hiện mục tiêu này khi các tay vợt vẫn cần những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế.
Mục tiêu vừa sức
Tại lễ công bố mới đây về Giải bóng bàn vô địch quốc gia - Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025, ông Phan Anh Tuấn - phụ trách môn bóng bàn, Cục Thể dục thể thao Việt Nam cho hay rằng mục tiêu của đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 33 là giành tối thiểu 1 HCV. Đó cũng là mục tiêu vừa sức của đội tuyển bởi ở nhiều SEA Games trước đó, đội tuyển bóng bàn đều giành HCV, cho dù HCV ở mỗi kỳ SEA Games lại ở các nội dung khác nhau.
Gần đây nhất, ở SEA Games 32 tại Campuchia, bóng bàn Việt Nam giành HCV đôi nam nữ nhờ công của bộ đôi Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc. Ngoài ra, Nguyễn Anh Tú giành HCB đơn nam; Nguyễn Đức Tuân (đơn nam), Nguyễn Khoa Diệu Khánh (đơn nữ) cùng 2 đội nam, nữ ở nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ giành HCĐ. Trong khi đó, ở Giải bóng bàn vô địch Đông Nam Á 2024, Nguyễn Khoa Diệu Khánh lên ngôi vô địch đơn nữ. Chính những thành tích này đang được xem là cơ sở để đặt ra chỉ tiêu cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam là giành ít nhất 1 HCV tại SEA Games 33.

Các tay vợt Việt Nam dự Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á năm 2024. Ảnh: Nguyễn Minh
Tuy vậy, trong dòng chảy cuồn cuộn của bóng bàn thế giới, nơi các tay vợt coi những giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức liên tục ở nhiều nước hoặc những chuyến tập huấn quốc tế để nâng cao trình độ thì bóng bàn Việt Nam vẫn hầu như đứng ngoài cuộc. Thông tin bên lề lễ công bố Giải bóng bàn vô địch quốc gia - Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025 cho thấy để chuẩn bị cho giải năm nay, trong 21 đội tham dự chỉ có đội Hà Nội và Công an nhân dân T&T đi tập huấn tại Trung Quốc. Thông tin từ chuyến tập huấn tại Trung Quốc của HLV Vũ Mạnh Cường (Công an nhân dân T&T) cho thấy chuyến tập huấn đã mang đến nhiều hiệu ứng tích cực về chuyên môn, tinh thần cho các tay vợt của đội. Điều này khiến Công an nhân dân nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch toàn đoàn. Đây cũng là điều bình thường khi hiện tại, Công an nhân dân T&T đang nhận được sự đầu tư tốt hàng đầu trong làng bóng bàn Việt Nam.
Câu chuyện chỉ 2 đoàn đi tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia cũng cho thấy những khó khăn trong việc nâng tầm cho các tay vợt Việt Nam. Vấn đề chủ yếu nằm ở việc thiếu kinh phí cho việc tập huấn nước ngoài của đa số địa phương. Hoặc do quan niệm của đơn vị chủ quản một số đội khi phải đợi đến Đại hội Thể thao toàn quốc mới đưa VĐV đi tập huấn.
Trong khi đó, những tay vợt hàng đầu luôn muốn đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Bởi chỉ có như vậy mới có thể nâng tầm, để tranh chấp HCV ở SEA Games và xa hơn là nâng vị thế cho bóng bàn Việt Nam. Khi nguồn lực từ cơ quan chủ quản hạn chế, sẽ cần đến sự đầu tư, đồng hành từ doanh nghiệp. Nhưng mọi việc cũng không hề đơn giản vì không nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc này. Dễ thấy nhất là từ đầu năm 2025 đến nay, chưa có tay vợt nào của Việt Nam tham dự giải đấu thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của bóng bàn thế giới.
Vẫn phải từ nhiều nguồn lực
Trong trao đổi gần đây, ông Phan Anh Tuấn - phụ trách môn bóng bàn, Cục Thể dục thể thao Việt Nam cũng thừa nhận rằng lâu nay, nguồn kinh phí thi đấu quốc tế cho bộ môn không đủ đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ cho những tay vợt trọng điểm, hàng đầu. Như chuẩn bị cho SEA Games 33, nguồn kinh phí dành cho bộ môn có thể đáp ứng yêu cầu tập huấn tại Trung Quốc của đội tuyển trong 1-2 tháng, với khoảng 10 vận động viên và 3 huấn luyện viên. Trong chuyến tập huấn này đương nhiên sẽ kết hợp dự một số giải đấu tại đây. Nhưng để VĐV đi thi đấu quốc tế nhiều hơn thì lại khó.
Vì thế, để giải bài toán kinh phí thi đấu quốc tế cho VĐV vẫn sẽ phải trông vào cơ quan chủ quản của VĐV, doanh nghiệp, gia đình VĐV. Hiện tại, khả dĩ nhất vẫn là trông vào nguồn kinh phí từ cơ quan chủ quản, doanh nghiệp.
Về phía cơ quan chủ quản của VĐV, cũng ít đơn vị coi bóng bàn là môn trọng điểm khi sự cạnh tranh quá khốc liệt bên cạnh việc luôn có 7 bộ huy chương ở hệ thống giải quốc gia cũng như Đại hội Thể thao toàn quốc. Số bộ huy chương như vậy là không nhiều nếu so với những môn khác. Và lúc đó, bài toán đầu tư vào môn nào để dễ giành HCV hơn luôn được đặt ra và thường nghiêng về những môn nhiều bộ huy chương hơn bóng bàn. Thế nên, như người trong nghề lý giải, đó là một trong những lý do khiến rất ít đội được đi tập huấn nước ngoài.
Cũng may hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp và gia đình VĐV dám đầu tư nhiều hơn cho VĐV hàng đầu Việt Nam cũng như con cháu mình đi theo bóng bàn chuyên nghiệp.
Như sau Giải bóng bàn vô địch Đông Nam Á 2024 (tháng 11-2024), Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Thông minh (VietED) thông báo tài trợ cho chuyến thi đấu tại giải bóng bàn thuộc hệ thống giải bóng bàn nhà nghề thế giới (WTT) tại Oman vào tháng 1-2025, ước tính tổng chi phí khoảng gần 100 triệu đồng cho VĐV Việt Nam giành ngôi vô địch đơn nữ là Nguyễn Khoa Diệu Khánh.
Tuy nhiên, do bị chấn thương vai, muốn dành thời gian để điều trị dứt điểm Diệu Khánh không tham gia giải WTT tại Oman. Công ty VietED đã bảo lưu kinh phí tài trợ cho Diệu Khánh tham dự một giải khác thuộc hệ thống WTT trong năm 2025. Đến gần đây, VietED thông báo đã đăng ký cho Diệu Khánh dự giải đấu chuyên nghiệp thuộc WTT tại Kazakhstan vào tháng 9-2025.
Ngoài Diệu Khánh, dự kiến VietED cũng tài trợ cho tay vợt Nguyễn Anh Tú dự giải này để cả hai vừa có thể dự nội dung đơn, vừa dự nội dung đôi nam – nữ. Việc này cũng sẽ có lợi cho đội tuyển quốc gia trong hành trình chuẩn bị cho SEA Games 33.
Cũng phải kể thêm, cũng trong năm 2024, VietED có hai lần tài trợ cho các tay vợt Việt Nam, trong đó có Nguyễn Anh Tú, dự giải quốc tế tại Indonesia (tháng 6) và Kazakhstan (tháng 9). Hay trong tháng 12-2024, hàng loạt tay vợt Việt Nam đã được một doanh nghiệp tài trợ chuyến thi đấu tại giải Mỹ mở rộng.
Trong khi đó, ở Hà Nội cũng có thông tin gia đình VĐV sẵn sàng chi cả tỷ đồng để con cháu mình có thể tập huấn dài hạn (ít nhất khoảng 3 năm) tại Trung Quốc.
Dù vậy, 1-2 doanh nghiệp đồng hành với các tay vợt Việt Nam để thi đấu quốc tế vẫn chưa đủ. Họ cũng chỉ có thể hỗ trợ VĐV dự 2-3 giải quốc tế mỗi năm trong khi các tay vợt hàng đầu Việt Nam cần dự ít nhất 7-10 giải đấu quốc tế mỗi năm. Ngay ở Đông Nam Á, các tay vợt Malaysia, Thái Lan, Singapore được thi đấu quốc tế liên tục với khoảng 7-10 giải quốc tế/năm đã chạm đến những tấm huy chương châu lục. Không ngẫu nhiên khi Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang ưu tiên việc thu hút doanh nghiệp hỗ trợ những tay vợt hàng đầu đi thi đấu quốc tế.
Tất cả đều hiểu, vẫn cần nhiều doanh nghiệp hơn để góp phần nâng tầm cho các tay vợt, bảo đảm cho họ thực hiện mục tiêu tối thiểu của bóng bàn Việt Nam ở sân chơi SEA Games, mà gần nhất là SEA Games 33, và xa hơn phải là chạm tới những tấm huy chương châu lục thay vì hài lòng với những sân chơi ở Đông Nam Á.
Giải thưởng hấp dẫn với bóng bàn
Tổng giá trị giải thưởng lên tới 500 triệu đồng. Trong đó, đội vô địch đồng đội nam và nữ nhận 50 triệu đồng, vô địch đơn nam và nữ nhận 30 triệu đồng. Đây được xem là mức thưởng hấp dẫn trong làng bóng bàn Việt Nam. Kết quả của Giải bóng bàn vô địch quốc gia - Báo Nhân Dân năm 2025 là cơ sở để tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho sân chơi SEA Games, vốn được coi là vừa sức với các tay vợt Việt Nam. (Minh Khuê)