Sẽ xây dựng thêm một số đập trên sông Hồng, sông Đuống

Sáng nay (19/12), Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức phiên họp giải trình về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên giải trình.

Để thực hiện tốt mục tiêu quản lý đê điều, hành lang thoát lũ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thành phố Hà Nội sẽ xây dựng một số đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống. Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các dòng sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét.

Trước dự kiến Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tình hình triển khai nghiên cứu xây dựng các đập này; giải pháp nào cần tham mưu UBND thành phố để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết, hiện đang xác định sông Hồng là một trục xanh quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là xây dựng thêm ba đập trên sông, với mục tiêu cải thiện môi trường và chất lượng nước tại các dòng sông nội đô. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực phối hợp với Viện Kinh tế để nghiên cứu và triển khai các giải pháp giúp làm “sống lại” các dòng sông nội đô. Tập trung xác định vị trí xây dựng các trạm bơm nước kỹ thuật cao để đưa nước từ sông Hồng và sông Nhuệ vào các dòng sông nội đô, điển hình như sông Tô Lịch, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích, chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống, tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín… tiềm ẩn nguy cơ lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ sông và gây ô nhiễm, ngoài ra có hiện tượng đổ thải, san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ.

Liên quan đến tiến độ rà soát các trường hợp vi phạm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, nhiều năm qua, khu vực ven sông đã chứng kiến sự tồn tại của không ít bãi trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm gần đây, các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp xử lý nghiêm, chấm dứt hoạt động của nhiều bãi trái phép.

Thời gian tới, các quận, huyện cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh các vị trí các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng để bảo đảm phù hợp với yêu cầu về môi trường, giao thông và phát triển kinh tế. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để tính toán lại các vị trí này sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh lâu dài, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ có những điều chỉnh bổ sung.

Trước thực tế nhu cầu sử dụng lâu dài các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần có những biện pháp nhằm chống thất thoát tài nguyên và lãng phí. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ có những điều chỉnh bổ sung để nâng cao công tác quản lý chặt chẽ, đồng thời đảm bảo bảo vệ môi trường, an toàn đô thị.

Vũ Hà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/se-xay-dung-them-mot-so-dap-tren-song-hong-song-duong-289482.htm
Zalo