Sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Vành đai 4 TP.HCM vào tháng 5
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính để hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, dự kiến dự án này sẽ trình Quốc hội vào tháng 5-2025.
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, UBND TP.HCM cho biết TP.HCM và các địa phương đã rà soát các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đồng thời, các địa phương gồm Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện giải trình bổ sung và hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để kịp tiến độ Chính phủ trình Quốc hội đầu tháng 5-2025.
Dự kiến khởi công đường Vành đai 4 vào năm 2026
Tại Tờ trình, UBND TP.HCM khẳng định việc khép kín đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm phục vụ an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Cụ thể, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển theo tinh thần đột phá chiến lược của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Phối cảnh đường Vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Sở Giao thông công chánh TP.HCM cung cấp
Bên cạnh đó là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng và kết nối với Campuchia; mở rộng và phát triển đô thị; giảm tải mạng lưới đường quốc lộ hiện hữu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 là 122.774,28 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án là 69.665,22 tỉ đồng (chiếm khoảng 56,74%) tổng mức đầu tư dự án. Dự án Vành đai 4 sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BOT.
Giai đoạn 1 dự án Vành đai 4, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng (GPMB) 1 lần theo quy hoạch 8 làn xe, có làn khẩn cấp, đường gom, đường song hành qua khu dân cư. Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương sẽ triển khai các thủ tục, dự kiến khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2029.
Tiếp thu ý kiến của Tổ chuyên gia thẩm định rà soát, cập nhật hồ sơ. Diện tích đất trồng lúa dự kiến thu hồi khoảng 455,71 ha bao gồm: TP.HCM 41,51 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 2,84 ha, Đồng Nai khoảng 25,6 ha, Long An khoảng 383,19 ha. Dự án không có diện tích đất rừng cần thu hồi.
Đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 207 km, đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM (16,7 km), Bình Dương (47,95 km), Đồng Nai (46,08 km), Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km), Long An (78,3 km, bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5 km, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 3,8 km).
Vành đai 4 có 22 nút giao liên thông
Theo báo cáo, dự án Vành đai 4 TP.HCM có 22 nút giao liên thông và 1 điểm ra vào trong giai đoạn hoàn thiện.
UBND TP.HCM cho biết tuyến đường này là tuyến đường có tính chất là đường vành đai liên vùng kết nối nhiều trục giao thông hướng tâm lớn, kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng. Từ đó, góp phần tăng tính chất kết nối vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực.
Do đó, TP.HCM đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận khoảng cách giữa các nút giao với các trục giao thông quan trọng được phép giảm xuống không nhỏ hơn 3 km như quy định.

Vành đai 4 có 22 nút giao liên thông, khoảng cách là 4 km một nút giao. Đồ họa: MINH HIẾU
TP.HCM cũng cho biết dự án Vành đai 4 sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sẽ bao gồm các dự án thành phần GPMB. Các địa phương được giao thực hiện dự án cấu phần GPMB sẽ tiến hành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất theo thẩm quyền của địa phương.
Theo đó, với phương án tuyến đi thấp của dự án đã được nghiên cứu tính toán cao độ thiết kế trắc dọc và khẩu độ công trình thoát nước, thoát lũ phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
TP.HCM cũng đánh giá lựa chọn phương án đi thấp và đi cao cho dự án Vành đai 4. Cụ thể, phương án đi cao có khá nhiều ưu điểm, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất chính là chi phí đầu tư quá cao, tác động đến phương án đầu tư dự án.
Theo dữ liệu từ các dự án đang triển khai như Vành đai 3 TP.HCM, chi phí xây dựng cầu cạn đắt hơn nền đắp xử lý đất yếu khoảng 2 lần. Trên cơ sở nghiên cứu, so sánh các phương án đầu tư hệ thống đường cao tốc, TP đề xuất đầu tư theo quy hoạch, đường cao tốc kết hợp đi trên cao và dưới thấp. Từ đó, phù hợp với địa hình, địa mạo từng khu vực và quy hoạch phát triển hai bên đường, thực hiện phân kỳ đầu tư phù hợp.
Đảm bảo vật liệu cho dự án Vành đai 4
Về nguồn vật liệu phục vụ dự án cũng được TP.HCM rà soát, tính toán. Trong đó, nhu cầu sử dụng của dự án như sau: vật liệu đắp là 15,821 triệu m³, nguồn cát là 1,786 triệu m³, đá xây dựng là 5,175 triệu m³.
Khả năng cung cấp tại các mỏ đá, cát sau khi các dự án giai đoạn 2021-2025 hoàn thành vào năm 2026 sẽ tiếp tục cung cấp cho dự án trong khu vực đường Vành đai 4.