TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối giao thông qua những điểm nào?
Hiện TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu kết nối thông qua các tuyến đường bộ kết nối qua tỉnh Đồng Nai và tuyến đường thủy.
Theo ghi nhận của PV PLO, hiện nay TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không có kết nối giao thông bằng đường bộ. Hai địa phương đang kết nối thông qua tỉnh Đồng Nai qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51 hoặc người dân đi từ phà Cát Lái, TP Thủ Đức sang huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sau đó đi Quốc lộ 51.
Tuy nhiên, hiện các cung đường trên đi lại mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ, trường hợp gặp tình cảnh ùn ứ sẽ mất nhiều thời gian hơn - từ 4-5 giờ đồng hồ.

Hiện nay, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối chủ yếu bằng đường thủy. Ảnh: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP (TEDI)
Thời gian tới, khi cầu Nhơn Trạch (hạng mục Vành đai 3) hoàn thành (dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2025), người dân có thể di chuyển qua cầu Nhơn Trạch tới Quốc lộ 51.
Tuy nhiên, phải tới năm 2026 khi tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành được hoàn thành, người dân kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới thuận lợi hơn, mất ít thời gian di chuyển.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết hiện nay TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không có kết nối trực tiếp về đường bộ, chỉ kết nối từ trục kết nối mới (ven biển) phía Nam từ Tiền Giang qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An, thông qua cầu Phước An kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với tuyến đường sắt quốc gia kết nối gián tiếp thông qua trục đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh và Biên Hòa-Vũng Tàu.
Đường thủy có thể kết nối qua đoạn Vũng Tàu - Thị Vải - TP.HCM qua sông Đồng Tranh. Các tuyến giao thông thủy khác là tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, hai tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Các phương tiện cũng có thể đi phà Bình Khánh về Cần Giờ và đi tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, với thời gian khoảng 30 phút.
Sở Giao thông công chánh đã đề xuất đầu tư nghiên cứu xây dựng đường ven biển kết nối TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu và ĐBSCL, tuyến đường này có chiều dài 45,5km.
Trong đó, phương án 1 đầu tư tuyến chính và đường kết nối với đường ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ. Phương án này rút ngắn khoảng 40km so với quy hoạch ban đầu, tổng vốn hơn 55.800 tỉ đồng. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, hiện nay UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup) thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Giờ. Dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hình thức xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO).
Theo Tập đoàn Vingroup, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2025; giai đoạn thực hiện từ năm 2026 - 2028.
Như vậy, trong tương lai TP.HCM có thể kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Giờ, cầu vượt biển Cần Giờ hoặc phà biển thuận lợi.