Sẽ tăng cường tương tác giữa người ứng cử và cử tri

Hình thức vận động bầu cử sẽ gồm cả trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến giúp tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử và cử tri, đồng thời kịp thời ứng phó nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình huống đột xuất trong thời gian tổ chức bầu cử.

Sáng 12/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chỉ chỉnh sửa nội dung liên quan đến sắp xếp bộ máy

Theo Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội, quan điểm của việc chỉnh sửa lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã có chỉ đạo rõ của cấp có thẩm quyền; những vấn đề cấp thiết xuất hiện trong thực tế để cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương Đảng và kịp thời khắc phục một số bất cập đã được tổng kết trong triển khai Luật Bầu cử thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo tờ trình, Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp. “Dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện như: Hội đồng nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử cấp huyện”, Chủ nhiệm Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày trong tờ trình.

Để tăng quyền chủ động phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, dự thảo đề xuất quy định UBND cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng đầu mối cấp xã tăng đáng kể, việc yêu cầu cấp tỉnh phê chuẩn sẽ làm tăng thủ tục hành chính và khối lượng công việc.

Đồng tình với quan điểm này, chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình nhấn mạnh, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 của Luật hiện hành, mỗi đơn vị bầu cử chia thành các khu vực bỏ phiếu, mỗi khu vực có từ 300-4.000 cử tri. Việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử. “Nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng tùy nghi, tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu, dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội nêu quan điểm. Do đó, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội đề nghị nghiên cứu làm rõ ngay trong Điều luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử

Liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, dự thảo luật dự kiến quy định rút ngắn thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử từ 70 ngày xuống còn 42 ngày.

Với khoảng thời gian kể từ sau ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 16/HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, dự thảo luật điều chỉnh thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày sau bầu cử (luật hiện hành quy định 20 ngày).

Điều chỉnh thời gian tiếp nhận khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất 3 ngày sau ngày công bố kết quả bầu cử và điều chỉnh thời gian xem xét giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Điều chỉnh thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử.

Như vậy, sau khi thực hiện đủ các bước nêu trên, Ủy ban Công tác đại biểu cho biết thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 16 sớm nhất có thể là 22 ngày sau ngày bầu cử. Với các quy định mới, khoảng cách thời gian ngắn nhất từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới dự kiến rút ngắn khoảng gần 40 ngày.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/se-tang-cuong-tuong-tac-giua-nguoi-ung-cu-va-cu-tri-328956.htm
Zalo