Sẽ giải quyết tốt hơn những khiếu kiện đất đai

Trong tổng số các vụ khiếu kiện nhiều năm qua, thì khiếu kiện về đất đai chiếm đa số (khoảng 64,6%, theo Thanh tra Chính phủ). Có những vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.

Ông Hoàng Văn Cường.

Ông Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai. Ông Cường cho biết, do tầm quan trọng và sự phức tạp nên Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận rất kỹ lưỡng tại các kỳ họp 4,5,6 trên cơ sở lấy ý kiến của toàn dân. Tuy nhiên, cho đến Kỳ họp thứ 6, vẫn còn những ý kiến trái chiều vẫn cần phải được cân nhắc kỹ. Vì thế Dự thảo Luật chỉ được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 18/1/2024.

Ông Cường cũng cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) đã sử dụng nhiều hơn các cơ chế thị trường để đảm bảo yếu tố về mặt lợi ích được điều tiết theo cơ chế thị trường. Trong đó có việc bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường và được công bố công khai.

“Việc khiếu kiện liên quan đến đất đai liên quan nhiều đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Khi mà không đáp ứng được mức đền bù thỏa đáng, sát với giá trị thị trường và bù đắp lại được cho người dân có chỗ ở không bị thua thiệt” - ông Cường phân tích và nhấn mạnh: Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến việc bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng. “Như vậy, tôi kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai".

Cùng đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, liên quan đến nguồn gốc đất đai không rõ ràng, rất dễ diễn ra tranh chấp. Tuy nhiên, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ về việc xác định cấp giấy chứng nhận cho những người dân có nguồn gốc về đất đai, thậm chí người ta đã sử dụng đất từ lâu đời rồi nhưng không có giấy tờ hoặc là có thể sử dụng nó một giai đoạn nào đó chưa phù hợp - thì trong Luật cũng đã đưa ra phương án xử lý, giải quyết.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, doanh nghiệp (DN) rất mong mỏi Luật Đất đai mới nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Điều đó không chỉ giúp tạo điệu kiện cho DN định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo, mà còn quyết định sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS).

“Thực tế, các ngành kinh tế đều liên quan chặt chẽ đến BĐS. BĐS đóng vai trò quan trọng với cả nền kinh tế mà Luật Đất đai là luật xương sống của BĐS” - ông Hiệp nói tại tọa đàm "Luật Đất đai 2024: Nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường BĐS Việt Nam”, hồi cuối tháng 1/2024.

Ông Hiệp cũng đánh giá cao việc phân cấp quyền hạn cho cấp dưới, quy chế về hành chính trong thủ tục đầu tư, giúp giảm bớt khó khăn cho DN. Ví dụ như thủ tục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự phân cấp quyền hạn cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo ông Hiệp, Luật Đất đai (mới) có nhiều điểm cơ bản tiến bộ, đặc biệt về cơ chế thu hồi đất tại Điều 129 đã quy định rất rõ 31 trường hợp.

“Những điểm được nhất của Luật Đất đai lần này là rất rõ ràng. Bởi từ trước đến nay không chỉ DN mong chờ mà còn cả các địa phương. Thực tế, tình trạng đóng băng của nhiều dự án cũng một phần vì lãnh đạo của địa phương muốn chờ Luật Đất đai mới như thế nào rồi mới phê duyệt và đến nay vấn đề đã sáng tỏ. Đây là cơ sở góp phần nhằm gỡ vướng cho dự án BĐS vẫn ách tắc” - ông Hiệp nói.

Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) tác động trực tiếp tới 3 đối tượng là người dân - DN - chính quyền. Những tác động tích cực của Luật sẽ khiến cho thị trường BĐS tránh được tình trạng thiếu ổn định, kéo giảm các vụ khiếu kiện, người dân cũng như chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc lĩnh vực vốn rất phức tạp và nhạy cảm này. DN cũng sẽ hưởng lợi vì mọi quy định của Luật là rõ ràng.

Cùng với Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai sẽ là những bộ luật có tác động trực tiếp tới thị trường BĐS hiện nay cũng như lâu dài. Tuy nhiên, Luật cũng cần thời gian để áp dụng vào thực tế. Trong quá trình đó, các nhóm đối tượng liên quan chờ đợi những văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng. Tuy thế, với những quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã cho thấy những điểm mới tích cực rất cơ bản.

N.Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/se-giai-quyet-tot-hon-nhung-khieu-kien-dat-dai-10275449.html
Zalo