Sẽ dành 2.000 tỷ đồng mua thiết bị y tế cho cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức

Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án, trong đó đề xuất cơ chế đặc thù để sớm đưa cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đi vào hoạt động trong năm 2025. Dự kiến sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho mỗi dự án để mua sắm thiết bị y tế...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Bộ Y tế đã thông tin mới nhất về tiến độ dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, và Bệnh viện Việt Đức tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 20/12.

ĐƯA CƠ SỞ 2 BỆNH VIỆN BẠCH MAI, VIỆT ĐỨC ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2025

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết trong năm 2024, Bộ Y tế đã phối hợp các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

Theo Thứ trưởng, những khó khăn, vướng mắc của dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đã diễn ra từ lâu. Hai dự án đã tạm dừng thi công từ năm 2020. Hiện nay, dự án Bệnh viện Việt Đức đã bắt đầu thi công trở lại.

Các vướng mắc khá phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, triển khai dự án. Có những nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các Nghị định và thông tư.

"Vì thế, qua quá trình rà soát, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trên cơ sở vướng mắc để có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc. Chỉ áp dụng các cơ chế, chính sách đó thì các khó khăn, vướng mắc mới được tháo gỡ, dự án mới tiếp tục được thực hiện", Thứ trưởng Lê Đức Luận nói.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện nội dung liên quan đến Nghị quyết của Chính phủ nhằm xử lý vấn đề này. Sau khi giải quyết được các khó khăn, vướng mắc này, các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công.

"Hiện nay, về phần xây dựng dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện được 97%, như vậy chỉ còn 3%. Đối với cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng được 85%, chỉ còn 15%", Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết, thêm rằng với tiến độ này, mục tiêu đi vào hoạt động trong 6 tháng là khả thi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin về tiến độ dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. Ảnh: Trần Minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin về tiến độ dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. Ảnh: Trần Minh.

Liên quan đến thiết bị y tế, Thứ trưởng Lê Đức Luận cũng cho biết đã được phê duyệt từ năm 2014-2015. Do đó, Bộ Y tế sẽ rà soát để đối chiếu với thực tiễn thực hiện và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Mục tiêu là nếu các khó khăn, vướng mắc được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, có cơ chế đặc thù để giải quyết, chúng ta sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025", Thứ trưởng Lê Đức Luận nhấn mạnh.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập tổ công tác gồm Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... thực hiện nhiệm vụ rà soát các vướng mắc, khó khăn liên quan để đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong vòng 6 tháng tới, Bộ Y tế phải hoàn thiện và bàn giao, đưa cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đi vào hoạt động.

TIẾP TỤC KIỆN TOÀN, SẮP XẾP BỘ MÁY

Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, cho biết Bộ tiếp tục tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Năm 2024, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế.

Trong đó, các chủ trương, định hướng cho phát triển ngành Y tế trong trung và dài hạn được ban hành như: Chiến lược, quy hoạch ngành Y tế đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới…

Bên cạnh đó, nhiều văn bản, chính sách cũng được ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế…

Bộ Y tế cũng tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Chính phủ Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Y tế, trên cơ sở tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; tiếp nhận quản lý Nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển sang; dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Y tế theo phương án sắp xếp.

Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và phát triển.

Hiện Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ giai đoạn 2023-2030; danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; Đề án thành lập Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Trung ương; Nghị định của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn...

Đại diện Bộ Y tế thông tin tại họp báo.

Đại diện Bộ Y tế thông tin tại họp báo.

Đối với hoạt động khám chữa bệnh, Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết các dịch vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả, với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được ứng dụng thành công. Hướng dẫn các cơ sở y tế chuyển từ 4 tuyến hành chính sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, hệ thống phòng khám y học gia đình.

Đặc biệt, đã tập trung mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, tăng cường chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật, kịp thời hỗ trợ cho tuyến dưới, các địa phương. Số lượng bệnh viện được cấp phép hoạt động tăng mạnh, thời gian thẩm định được rút ngắn. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô. Đến nay, có 384 bệnh viện tư nhân, chiếm 22,3% tổng số bệnh viện.

Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế phê duyệt và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2050. Xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo…

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-danh-2-000-ty-dong-mua-thiet-bi-y-te-cho-co-so-2-benh-vien-bach-mai-viet-duc.htm
Zalo