Sẽ có thêm 3 đại học quốc gia, sáp nhập những cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn

Đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu, trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm, phát triển thêm 3 đại học quốc gia nâng tổng số lên 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành…

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) sáng 18/11.

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) sáng 18/11.

Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở công lập; 67 cơ sở ngoài công lập (5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng các trường tăng khá nhiều nhưng không đồng đều giữa các vùng miền. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (trên 44%), Đông Nam Bộ (trên 18%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7%).

Ngoài ra, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh vì số trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) có tỉ lệ cao; số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.

Tính đến nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên. Hầu hết các cơ sở này khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn ngành.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phần lớn có diện tích nhỏ, diện tích sàn xây dựng thấp đặc biệt là tại các vùng có mức độ phát triển kinh tế cao như vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ. Dự báo, đến năm 2030, cả hệ thống giáo dục đại học sẽ thiếu khoảng 3.041 ha cho tất cả các vùng, tập trung chủ yếu vào vùng Đồng bằng sông Hồng, gần 1.132 ha (Hà Nội khoảng 938 ha) và Đông Nam Bộ, 1.110 ha (TP.HCM khoảng 799 ha).

Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu. Trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành). Khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục đại học tư thục. Trong đó, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Những trường đại học công lập không đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được tái cấu trúc, tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong 3-5 năm; sáp nhập vào trường khác; hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Cách làm cũng tương tự với các phân hiệu trường đại học không đạt chuẩn.

UEH HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH ĐẠI HỌC ĐA NGÀNH

Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 4/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành Đại học Kinh tế TP.HCM. UEH chính thức trở thành 1 trong 7 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đồng nhất và hội nhập với hệ thống các đại học tiên tiến trên thế giới.

Theo định hướng từ nay đến 2030, Đại học Kinh tế TP.HCM tiên phong xây dựng nền giáo dục toàn diện với 6 trụ cột chính: Triển khai đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực;

Thực hiện các nghiên cứu, tư vấn theo hướng tích hợp đa lĩnh vực, liên kết nghiên cứu trong nước và quốc tế;

Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ nguồn lực trong nước và quốc tế trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, quản trị đại học;

Xây dựng chiến lược và hiện thực hóa mô hình quản trị đại học hiệu quả;

Xây dựng cộng đồng những người đã và đang học tập, làm việc, giảng dạy, nghiên cứu tại UEH tiên phong thay đổi hướng đến sự phát triển bền vững; Duy trì môi trường đại học theo chuẩn quốc tế cùng với vận hành hoạt động theo mô hình đại học xanh, gắn kết với cộng đồng, thân thiện với môi trường.

Tại buổi công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) sáng 18/11, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Đại học Kinh tế TP.HCM là trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, đào tạo chất lượng cao và là nơi chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Do đó, UEH cần hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại, hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài…

Đồng thời, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng UEH thành một trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng cao của khu vực và thế giới.

Phạm Vinh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-co-them-3-dai-hoc-quoc-gia-sap-nhap-nhung-co-so-giao-duc-dai-hoc-khong-dat-chuan.htm
Zalo