Sẽ có các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn cho phát triển kinh tế tư nhân

Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân đang được Bộ Tài chính soạn thảo có các quan điểm mạnh mẽ hơn, thể hiện các giải pháp cụ thể hơn. Trong đó, có các chính sách tương ứng theo quy mô doanh nghiệp, cải thiện sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực.

Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: PHAN ANH

Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: PHAN ANH

Chiều 3/4, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025, với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi. Đây là cuộc họp báo đầu tiên của Bộ Tài chính sau khi thực hiện hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nhận nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đảm bảo các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực công bằng hơn

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị trong Bộ đã cung cấp các thông tin cụ thể về nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm như phát triển kinh tế tư nhân, quản lý thuế, nâng hạng thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động sau sắp xếp bộ máy, quản lý tài sản công…

Nghiên cứu đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước

Liên quan đến các phương án về phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và ngoài nước để bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng, đại diện Vụ Kinh tế tài chính cho hay, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước để dự phòng trong trường hợp nhu cầu đầu tư trong nước tăng.

Đây là hình thức huy động hợp pháp theo quy định pháp luật và trước đây chúng ta đã thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay thị trường trái phiếu nội tệ trong nước vẫn tốt, nên việc phát hành trái phiếu ngoại tệ chưa cần thiết.

Ngoài ra, hiện nay chi phí vay vốn trong nước đang thấp hơn phát hành trái phiếu nước ngoài. Do đó, Chính phủ vẫn đang nghiên cứu các điều kiện. Thời điểm nào huy động ở nước ngoài tốt hơn, rẻ hơn mới phát hành trái phiếu ngoại tệ ở thị trường nước ngoài.

Trả lời câu hỏi về nội dung Nghị quyết về phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà Bộ Tài chính đang được giao nghiên cứu, xây dựng, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết dự thảo có nhiều điểm đổi mới, mạnh mẽ và cụ thể hơn.

Với tinh thần là tổng hợp các nhiệm vụ đã được Trung ương giao về phát triển doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết có các nhóm giải pháp chính sách cho từng nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Cụ thể là chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, vừa… và đặc biệt là có nhóm chính sách mạnh hơn cho hộ kinh doanh làm rõ hơn về vị trí pháp lý, đảm bảo minh bạch, công bằng hơn giữa các doanh nghiệp.

Để xây dựng Nghị quyết, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hội thảo nắm bắt tình hình doanh nghiệp. Qua tổng hợp, nhiều vấn đề doanh nghiệp nêu đều liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật. Bên cạnh đó là niềm tin kinh doanh, mong muốn được bảo đảm về quyền tự doanh kinh doanh, quyền tài sản.

Những năm qua, dù đã có nhiều Nghị quyết được ban hành về chủ đề này, song chưa thực sự phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn đánh giá đây là vấn đề lớn. Do đó, nội dung Nghị quyết lần này đưa ra các quan điểm mạnh mẽ hơn, thể hiện các giải pháp cụ thể hơn chứ không chỉ nêu quan điểm như trước. Trong đó, cải thiện cách tiếp cận của doanh nghiệp về đất đai, nguồn lực, đảm bảo công bằng hơn về tiếp cận nguồn lực giữa doanh nghiệp tư nhân và các nhóm doanh nghiệp khác.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến hết năm 2026.

Cùng với hàng loạt các giải pháp chính sách khác như giảm thuế phí, giảm tiền thuê đất, tăng chi cho khoa học công nghệ, có chính sách đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ tin tưởng các chính sách sẽ đi vào cuộc sống, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng.

Sau sắp xếp, bộ máy sẽ ngày càng hoạt động tốt hơn

Đối với mục tiêu tăng trưởng, hoàn thành giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, đại diện Vụ Đầu tư cho biết đang khẩn trương, rà soát trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình cấp có thẩm quyền để xây các Nghị định hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, áp dụng tối đa việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bộ Tài chính cũng đã và đang có các hướng dẫn về việc thực hiện các dự án chuyển tiếp trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay việc sắp xếp bộ máy không làm cản trở quá trình giải ngân. Mà trong quá trình sắp xếp bộ máy, các dự án cũng được rà soát lại. Nếu không hiệu quả, không phù hợp với quá trình sắp xếp thì phải tính toán lại. Do đó, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân.

Liên quan đến sắp xếp bộ máy, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính cho biết sau sắp xếp, Bộ Tài chính có 35 đầu mối đơn vị với gần 90.000 cán bộ, công chức, viên chức. Số lượng đầu mối đã giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng với 37,7%, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.

Đi đôi với sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, Bộ Tài chính đã có các phương án để giảm bớt thủ tục hành chính, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới, để bộ máy mới, con người mới hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn.

Mặc dù sau sáp nhập, Bộ Tài chính có khối lượng công việc rất lớn, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định các công việc vẫn được triển khai bình thường và sẽ ngày càng tốt hơn trong thời gian tới. “Sắp xếp, tinh giản là để có bộ máy hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả hơn, không phải vì sắp xếp mà ảnh hưởng đến công việc” - Thứ trưởng nêu rõ.

Tiếp tục cải thiện trải nghiệm của nhà đầu tư với thị trường

Tại cuộc họp báo chiều 3/4, phóng viên đã nêu câu hỏi đề nghị đánh giá về động thái rút vốn của khối ngoại và ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hà Duy Tùng cho hay, việc bán ròng này có tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Xu hướng này có tiếp tục hay không tùy thuộc vào diễn biến triển khai thực tế và phản ứng chính sách của các nước, bao gồm Việt Nam. Thực tế, việc bán ròng theo thống kê trong quý I chỉ chiếm 1,9% tổng danh mục, là con số tương đối nhỏ.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, động thái để nâng hạng thị trường. Về cơ bản, chúng ta đã đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng. Tuy nhiên, vẫn còn các yếu tố phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư… Tới đây, Ủy ban sẽ triển khai các cuộc đối thoại, xúc tiến đầu tư, để các nhà đầu tư nước ngoài có những trải nghiệm tích cực hơn, từ đó đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm nay.

Nêu ý kiến tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng dòng vốn ngoại vào hay ra khỏi thị trường phụ thuộc nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như chiến lược của từng quỹ, diễn biến chính sách hay tác động về tâm lý…

Tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường phụ thuộc vào việc đáp ứng yêu cầu về pháp lý, chất lượng của thị trường chứng khoán, đảm bảo minh bạch cho thị trường, các cải cách nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán…

“Mục tiêu của chúng ta đưa thị trường chứng khoán phát triển về chất, một cách thực chất, ổn định và lâu dài. Như vậy, thời điểm nâng hạng chỉ là một điểm ghi nhận trong quá trình đó, đánh dấu thị trường chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Còn nhiệm vụ phát triển thị trường ngày càng chất lượng, ổn định là nhiệm vụ lâu dài” - Thứ trưởng nêu rõ./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/se-co-cac-giai-phap-manh-me-cu-the-hon-cho-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-173840-173840.html
Zalo