Sẽ có 5 vùng đô thị và trung tâm đa chức năng sau năm 2030
Sau hơn một ngày làm việc, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp và diễn ra phiên bế mạc vào trưa 3/10.
Năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 12.300-12.700 USD
Phát biểu tiếp thu tại đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của TP nhiệm kỳ 2020–2025.
Theo đó, TP đề ra 22 chỉ tiêu, trong đó 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt (tỷ trọng đóng góp của ngân sách các nhân tố tổng hợp vào GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ; không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP; đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân; duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học…).
Có 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt (kinh tế số; diện tích nhà ở và nhà ở xã hội; diện tích công viên, cây xanh đô thị; tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới, tái chế; top 5 địa phương trên cả nước về PCI, Par-Index). Có 3 chỉ tiêu dự kiến khó đạt (GRDP bình quân hàng năm; tổng vốn đầu tư xã hội; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội).
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, những chỉ tiêu khó đạt là chỉ tiêu cơ bản về KT-XH, một phần khách quan do tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, một phần do nội tại là những điều đã được nhận diện để triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Để giải quyết những vấn đề trên, TP đề ra các nhiệm vụ tập trung đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, như: ban hành, thực hiện công văn 3843/UB (giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành, địa phương); triển khai Chỉ thị số 12/CT-UBND về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đến năm 2025; triển khai quy hoạch TP, quy hoạch chung TP; chuẩn bị nội dung trình Quốc hội các dự án: đường Vành đai 4; đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh; đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.
Đối với KT-XH TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030, TP đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể: các trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên các ngành thương mại-dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hiện đại, kinh tế biển bền vững, gắn với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 12.300-12.700 USD. Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 27%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 0,5%. Giai đoạn 2021-2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng khoảng 60%.
TP Hồ Chí Minh sẽ có 5 vùng đô thị
TP Hồ Chí Minh cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực; phát triển mạnh về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, xây dựng con người TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.
TP cũng đề ra 3 đột phá: hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị; phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đưa 3 kiến nghị đối với MTTQ Việt Nam TP, gồm: tổ chức “Diễn đàn Nhân dân hàng quý”; sáng kiến Nhân dân xây dựng TP; đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của TP. Đồng thời, chia sẻ với đại hội là sau năm 2030, TP tổ chức 5 vùng đô thị và trung tâm đa chức năng, gồm: Vùng đô thị trung tâm khoảng 5-6 triệu người; TP Thủ Đức khoảng 3 triệu người; Vùng đô thị phía Bắc khoảng 4-5 triệu người; Vùng đô thị phía Tây khoảng 2-3 triệu người; Vùng đô thị phía Nam khoảng 3-4 triệu người.
Trước đó, tại hội nghị lần thứ nhất, đại biểu đã hiệp thương 141 vị tham gia UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2024-2029, bầu cử Ban Thường trực với 18 thành viên. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh khóa XI tiếp tục được chọn làm Chủ tịch khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Hội nghị cũng hiệp thương thống nhất 4 Phó Chủ tịch chuyên trách khóa XII, gồm: Nguyễn Thành Trung, Ngô Thanh Sơn, Nguyễn Thị Kim Thúy và Phạm Minh Tuấn; hiệp thương chức danh 7 Phó Chủ tịch không chuyên trách và 6 ủy viên thường trực; hiệp thương cử 20 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam sắp tới.