Sau sắp xếp, Vĩnh Phúc dự kiến dôi dư 1.680 cán bộ cấp xã
Chiều 7/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2025.

Đại diện Sở Nội vụ Vĩnh Phúc thông tin tại buổi giao ban báo chí.
Tại hội nghị, Sở Nội vụ Vĩnh Phúc thông tin về tình hình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn.
Theo Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, bám sát chỉ đạo Trung ương với tinh thần khẩn trương, hiệu quả và tạo được sự đồng thuận cao từ nhân dân.
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản, kế hoạch và tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.
Đây là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Vĩnh Phúc cùng với Hòa Bình và Phú Thọ đã xây dựng đề án hợp nhất ba tỉnh thành tỉnh Phú Thọ, với trung tâm hành chính đặt tại TP Việt Trì (Phú Thọ).
Song song, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tiến hành sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn còn 36 đơn vị hành chính mới (32 xã, 4 phường), giảm 85 đơn vị cấp xã, tương đương 70,2%.
Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm đủ điều kiện về diện tích và dân số theo quy định, đồng thời gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa qua đề xuất đổi tên các đơn vị mới.
Công tác lấy ý kiến nhân dân được triển khai sâu rộng bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ gia đình. Kết quả cho thấy tỷ lệ cử tri đồng thuận rất cao: 99,49% đối với việc sắp xếp cấp tỉnh, 99,44% với cấp xã.
Một số ý kiến đề xuất tên gọi mang bản sắc địa phương đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Quỹ thời gian ngắn (từ ngày 15/4 đến hết tháng 4/2025) khiến khối lượng công việc của các cấp, ngành dồn dập. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế, bố trí lại đội ngũ cán bộ, xử lý tài sản công cũng là thách thức không nhỏ. Những thay đổi địa giới hành chính cũng kéo theo yêu cầu cập nhật giấy tờ, dữ liệu quản lý tại cơ sở.
Về phương hướng sắp tới, Sở Nội vụ nhấn mạnh việc phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng mô hình sở, ngành của tỉnh mới; hoàn thiện phương án bố trí nhân sự, trụ sở làm việc và hệ thống hạ tầng thông tin; đồng thời triển khai phần mềm quản lý văn bản và chữ ký số đến các ĐVHC sau sắp xếp.
Việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là điều chỉnh hành chính đơn thuần mà còn là bước đi mang tính chiến lược lâu dài, hướng tới bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Sở Nội vụ Vĩnh Phúc khẳng định, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo đúng lộ trình, đảm bảo ổn định tình hình, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sau sắp xếp.
Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ thông tin thêm về tiến độ sắp xếp cán bộ cấp xã trên địa bàn; phương án quản lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp; việc đi lại, lưu trú và chế độ khác đối với cán bộ sau khi sáp nhập tỉnh.