Sau sáp nhập, TPHCM quản lý vùng biển rộng 14.300km²
Sau khi sáp nhập hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM sẽ mở rộng không gian phát triển và sẽ đảm nhiệm quản lý vùng biển rộng 14.300km², kiểm soát an ninh trật tự tại trên 120 cảng biển và nhiều điểm neo đậu dọc các tuyến sông lớn.
Ngày 7/5, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TPHCM (7/5/1975 - 7/5/2025), Đại tá Đỗ Vĩnh Thăng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng TPHCM cho biết, trong chặng đường 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP thành phố đã phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng, truyền thống của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; xây dựng đơn vị không ngừng lớn mạnh về tổ chức, lực lượng, phát triển kịp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, cửa khẩu cảng thành phố.

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc tặng Cờ truyền thống của UBND TPHCM cho lãnh đạo BĐBP TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải trao bằng khen cho 7 tập thể tiêu biểu.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải nhìn nhận, trong tương lai gần, với chủ trương sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TPHCM, thành phố sẽ mở rộng không gian phát triển, với diện tích, dân số và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn. TPHCM sẽ đảm nhiệm quản lý vùng biển rộng 14.300km², kiểm soát an ninh trật tự tại trên 120 cảng biển và nhiều điểm neo đậu dọc các tuyến sông lớn.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP và các đại biểu tại buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Ngô Tùng
Dịp này, UBND TPHCM tặng Cờ truyền thống cho BĐBP thành phố và Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 7 tập thể và 20 các nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham gia, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cửa khẩu cảng thành phố nhiều năm liên tục.
Cách đây tròn 50 năm, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Bộ Công an và Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, “Đoàn Công an nhân dân vũ trang Biên phòng cảng Sài Gòn” được thành lập gồm 62 cán bộ, chiến sĩ, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).
Đoàn được giao nhiệm vụ tiếp nhận địa bàn và cơ sở vật chất từ Trung đoàn 209, Quân đoàn 4 và đặt trụ sở tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thương cảng Sài Gòn cũ; đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh cửa khẩu, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cảng Sài Gòn.
Ngày 7/5/1975, công việc tiếp quản hoàn tất, Đoàn Công an nhân dân vũ trang Biên phòng cảng Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, đặt dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh cửa khẩu cảng của thành phố và ngày 7/5 hàng năm cũng là Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng TPHCM.