Sau sáp nhập tỉnh, lộ diện những 'công xưởng' top đầu cả nước
Sau khi sáp nhập tỉnh, TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 89 tỷ USD. Các 'thủ phủ' công nghiệp như Bắc Ninh và Hải Phòng lần lượt xếp vị trí số 2 và số 3.
Trung ương đã thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh là nhằm mở rộng không gian phát triển, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.
Vậy, trước và sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các địa phương có sự thay đổi như thế nào?
Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2024 đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023.
Trong đó, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 47 tỷ USD trong năm 2024.
Các vị trí tiếp theo gồm Bắc Ninh đạt 39 tỷ USD, Bình Dương đạt gần 34,8 tỷ USD, Bắc Giang là 31 tỷ USD và TP Hải Phòng đạt trên 30,5 tỷ USD.
Ngoài 5 địa phương trên, trong top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước năm 2024 còn có: Thái Nguyên (27,34 tỷ USD), Đồng Nai (gần 24 tỷ USD), TP Hà Nội (xấp xỉ 19,2 tỷ USD), Vĩnh Phúc (gần 15,1 tỷ USD) và xếp thứ 10 là Phú Thọ (12,8 tỷ USD).
Sau sáp nhập tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 34 tỉnh, thành phố (tính toán giả định cộng gộp dữ liệu của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp) có sự thay đổi lớn.
Dựa trên số liệu của năm 2024, TPHCM sau sáp nhập vẫn dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa, đạt gần 89 tỷ USD, chiếm 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bắc Ninh, sau khi sáp nhập với Bắc Giang, vững vàng ở vị trí thứ hai với kim ngạch xuất khẩu vượt 70 tỷ USD, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xếp thứ ba là TP Hải Phòng, đạt 40,9 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Như vậy, sau khi sáp nhập tỉnh, TP Hải Phòng và Bắc Ninh trở thành hai “thủ phủ” công nghiệp lớn của miền Bắc, với tổng giá trị xuất khẩu vượt 110 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sau sáp nhập, Phú Thọ bất ngờ vươn lên vị trí thứ 5 (sau TPHCM, Bắc Ninh, TP Hải Phòng và Đồng Nai), với kim ngạch xuất khẩu 28,44 tỷ USD.
Trước khi sáp nhập, Vĩnh Phúc và Phú Thọ lần lượt đứng ở vị trí thứ 9 và 10 trong bảng xếp hạng các địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.
Trong bảng xếp hạng top 10 sau sáp nhập còn có Thái Nguyên (27,38 tỷ USD), Hà Nội (19,2 tỷ USD), Tây Ninh (16,2 tỷ USD), Ninh Bình (gần 16 tỷ USD) và Đồng Tháp (gần 9,1 tỷ USD).
Giai đoạn trước khi sáp nhập, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố; trong khi Ninh Bình và Đồng Tháp chỉ thuộc nhóm các địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2-3 tỷ USD.
Trong số 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, ghi nhận 6 địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dưới 1 tỷ USD, bao gồm: Quảng Trị, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.
Đặc biệt, Điện Biên là tỉnh có giá trị xuất khẩu hàng hóa thấp nhất cả nước, chỉ đạt 8,5 triệu USD.
Các tỉnh, thành phố còn lại có kim ngạch xuất khẩu dao động từ 1 tỷ USD đến dưới 9 tỷ USD.
(Bài viết sử dụng dữ liệu thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của Cục Hải quan).
* Trong bài viết, dữ liệu của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau sáp nhập) được cộng gộp theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được nêu tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.