Sau ngày 31/7, ngân hàng Big5 sẽ chặn đứng tài khoản lừa đảo
Thông qua AI, các ngân hàng trước khi chuyển tiền phải kiểm tra tài khoản nhận có dấu hiệu lừa đảo hay không. Nếu phát hiện có dấu hiệu, hệ thống sẽ chặn giao dịch và cảnh báo cho khách hàng.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 7/2025, nhóm Big5 ngân hàng - gồm 5 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và MB) - sẽ triển khai hệ thống giám sát giao dịch bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Các giao dịch chuyển tiền nghi ngờ là hành vi lừa đảo sẽ bị chặn kịp thời.
Việc triển khai hệ thống này là bước tiếp theo trong nỗ lực ngăn chặn các vụ lừa đảo chuyển tiền. Trước đó, ngành ngân hàng đã áp dụng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên kể từ 1/7/2024, đồng thời tiến hành đối chiếu xác thực sinh trắc học đối với toàn bộ tài khoản ngân hàng có phát sinh giao dịch điện tử từ 1/1/2025.
Kết quả, ngành ngân hàng đã làm sạch được 95% tài khoản không chính chủ hoặc liên quan đến hành vi lừa đảo.
Với việc 5 ngân hàng lớn triển khai hệ thống giám sát giao dịch chuyển tiền bằng AI, trước khi thực hiện, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra xem tài khoản nhận tiền có nằm trong danh sách “đen” hay không để kịp thời chặn giao dịch và cảnh báo cho khách hàng.
Việc triển khai kế hoạch này là kết quả của quá trình phối hợp liên bộ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi nhóm Big5 ngân hàng triển khai thành công sẽ thực hiện đồng loạt trên toàn ngành ngân hàng.
“Thay vì mỗi ngân hàng làm riêng lẻ, nhiều ngân hàng sẽ đồng loạt thực hiện; cứ có dấu hiệu lừa đảo là cùng nhau chặn lại. Đến lúc đó, chắc chắn sẽ phát hiện và ngăn chặn được nhiều tài khoản lừa đảo hơn”, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chia sẻ.

Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB. Ảnh: MB.
Trước đó, từ tháng 7/2024, MB là ngân hàng đầu tiên phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, để chia sẻ toàn bộ thông tin về các tài khoản đã phát sinh giao dịch lừa đảo hoặc có dấu hiệu nghi vấn.
Chỉ trong 3 tuần đầu triển khai từ tháng 7/2024, hệ thống đã phát hiện và cảnh báo 2.700 giao dịch đáng ngờ. Đến nay, trung bình mỗi tháng hệ thống giám sát của MB phát hiện và ngăn chặn khoảng 1.000 lượt chuyển tiền với số tiền bình quân trên dưới 30 tỷ đồng.
Theo đại diện MB, các giao dịch được thực hiện vào khung giờ bất thường (như nửa đêm về sáng) cũng được hệ thống đưa vào tầm ngắm. Những giao dịch có ID từ nước ngoài (nơi các nhóm tội phạm mạng hoạt động mạnh) cũng sẽ bị chặn đứng.
Ngoài ra, MB đã chặn được 99% các app giả mạo trên nền tảng Android thông qua tính năng quét các app giả mạo.
Hiện nay, mỗi ngày có tới 20 triệu người sử dụng ứng dụng MB, do đó việc giám sát chỉ có thể thực hiện bằng AI. Hệ thống giám sát và kiểm soát rủi ro ngày càng được ngân hàng đầu tư mạnh mẽ.
Bên cạnh đội ngũ hơn 2.000 kỹ sư công nghệ thông tin, ngân hàng còn có hơn 300 nhân sự chuyên trách về dữ liệu, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hành vi giao dịch.
“Khối lượng dữ liệu là rất lớn, không thể xử lý thủ công hay chờ hậu kiểm, vì chỉ sau 5 phút là tiền đã có thể bị rút hết. Do đó, chỉ có thể chặn giao dịch theo thời gian thực”, ông Vũ Thành Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, sau khi các ngân hàng triển khai xác thực sinh trắc học và đối chiếu qua công nghệ NFC, các đối tượng lừa đảo bắt đầu chuyển hướng sang tấn công tài khoản doanh nghiệp. Nhóm Big5 ngân hàng đang tiếp tục đầu tư mạnh để ngăn chặn các nhóm lừa đảo nhắm vào đối tượng này.
Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN (Thông tư 17) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có hiệu lực từ 1/7/2024, TCTD có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
TCTD phải cung cấp theo yêu cầu thông tin về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN.
Danh sách khách hàng cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan giả mạo, gian lận, lừa đảo được ngân hàng cập nhật bao gồm: mã khách hàng (CIF), số giấy tờ tùy thân, loại giấy tờ tùy thân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số tài khoản, ngày mở tài khoản, số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, lý do nghi ngờ, trạng thái tài khoản, và thông tin định danh duy nhất của thiết bị (địa chỉ MAC).
Thời gian cung cấp chậm nhất ngày 10 hàng tháng, gửi qua hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán của NHNN.
Các ngân hàng cũng phải gửi danh sách "tài khoản đen" bị nghi ngờ lừa đảo về NHNN. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy trình thống nhất để chấm dứt hoặc đóng các tài khoản này