Sau lần tạm hoãn, hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024 có gì khác?
Sau lần tạm hoãn do ảnh hưởng của bão số 3, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 đã quay trở lại với bầu không khí sôi động, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đổ về.
Sau lần tạm hoãn vì ảnh hưởng bão số 3, sáng nay (21/9), hội chọi trâu Đồ Sơn truyền thống năm 2024 đã được tổ chức.
Từ sáng sớm, khắp các ngả đường về sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, Hải Phòng chật kín dòng người đổ về xem hội. Các bãi đỗ xe xung quanh khu vực tổ chức hết chỗ. An ninh khu vực được bố trí đảm bảo trật tự cho lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Trong sáng sớm nay, khu vực Đồ Sơn có mưa lớn nhưng không ngăn được sức hút của lễ hội với người dân và du khách.
Không khí xem hội náo nhiệt, rộn ràng hơn bởi tiếng khua trống từ các đoàn rước có trâu thi đấu, tiếng kháo nhau về chất lượng và dự đoán trâu thắng cuộc của người dân ...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, lễ hội năm nay dù lùi lịch tổ chức song vẫn thu hút đông khách tới xem hội. Các lực lượng chức năng, nhân viên an ninh được huy động để bảo vệ cả trong và ngoài sân vận động, đảm an ninh cho Lễ hội chọi trâu.
Khu vực giết mổ, xả thịt trâu chọi được BTC lễ hội bố trí riêng biệt trong khuôn viên sân vận động. Sau khi xả thịt xong, thịt trâu chọi bị loại sẽ được đưa ra khu vực bán gần đó để phục vụ nhu cầu mua thịt trâu của du khách
Theo quan niệm của nhiều người miền biển, đặc biệt người Đồ Sơn, ăn thịt trâu chọi rất may mắn nên mỗi dịp đi xem hội, hầu hết du khách đều có tâm lý mua ít thịt trâu chọi đem về đón may. Theo đó, giá thịt trâu chọi cao gấp 5 -7 lần giá thịt trâu ngon bên ngoài thị trường.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay có 16 trâu tham gia, đại diện cho 6 phường thuộc quận Đồ Sơn. Mỗi phường được đăng ký 2 trâu tham dự, được chọn tuyển và chăm sóc kỹ càng. Qua 4 vòng thi, những “ông trâu" xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Thời gian mỗi trận đấu kéo dài tùy thuộc vào sự ngang sức ngang tài của các cặp đấu.
Kết quả, trâu mang số 04 của ông Lưu Đình Khang (phường Hải Sơn) giành chức vô địch, tiếp đến là trâu mang số 07 của ông Nguyễn Ngọc Hùng (phường Ngọc Xuyên) giành giải Nhì, trâu mang số 10 của ông Lưu Đình Toàn (phường Minh Đức) và trâu mang số 13 của chủ trâu Trần Văn Liêm (phường Hợp Đức) cùng giành giải Ba.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một nghi thức cổ truyền, bắt nguồn từ xa xưa, là nét văn hóa đặc trưng của dân chài Đồ Sơn, Hải Phòng; tổ chức vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020. Đây là một lễ hội với nghi thức trang nghiêm, có rước kiệu thần, lọng che và phường bát âm.
Hiện nay, lịch sử chính xác của lễ hội vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện và truyền thuyết về lễ hội này.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang đậm nét giao thoa giữa văn hóa nông nghiệp đồng bằng và văn hóa cư dân ven biển; kết hợp thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện tinh thần, văn hóa và thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối mặt với biển cả và bão tố để mưu sinh.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn liền với truyền thống 'trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ' để tưởng nhớ công ơn các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, cầu nguyện cho 'nhân khang, vật thịnh', giữ vững tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng.
Theo quan niệm của người dân ven biển, đặc biệt là ngư dân Đồ Sơn, hình ảnh trăng liên quan mật thiết đến thủy triều. Truyền thuyết về hội chọi trâu dưới ánh trăng bạc phản ánh mối liên hệ giữa mặt trăng và biển cả. Đôi sừng trâu tượng trưng cho mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển tôn thờ.
Do đó, trước đây, những con trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền và mang ra khơi xa rồi thả xuống để tế thần. Về sau, những con trâu đạt giải nhất hàng tổng được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại 'Thượng đẳng thần' về làng, sau đó được dân làng giết thịt để làm lễ hiến sinh dâng thành hoàng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa đánh cá sau may mắn và thuận lợi.