Sau hơn 100 ngày chật vật, Tổng thống Donald Trump 'dội vốn' về Mỹ từ Vùng Vịnh

Sau hơn 100 ngày đầu đầy thách thức trong nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã chọn khu vực Vùng Vịnh, trung tâm địa chính trị của thế giới Hồi giáo và cũng là 'điểm nóng' cạnh tranh toàn cầu, làm điểm đến trong chuyến công du quốc tế đầu tiên (13-16/5). Nhưng đây không đơn thuần là một chuyến thăm mang tính nghi lễ ngoại giao. Nó là bước đi chiến lược nhằm tái định vị vai trò lãnh đạo của Mỹ, củng cố quyền lực trong nước, và chuẩn bị cho những đối đầu lớn hơn, đặc biệt là với Trung Quốc và Iran.

Tổng thống Trump thăm Vùng Vịnh: Ba trụ cột cho một nước Mỹ phục hưng

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới ba quốc gia Vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), không chỉ là màn ra mắt chính sách đối ngoại mới của Nhà Trắng, mà còn là lời tuyên bố chiến lược về cách ông Trump định vị lại vai trò của nước Mỹ trong một thế giới đang tái cấu trúc. Những kết quả nổi bật đạt được trong chuyến đi cho thấy cách tiếp cận của ông Trump tại Trung Đông dựa trên ba trụ cột chiến lược: an ninh - đầu tư - công nghiệp, tạo nên một mô hình đối tác kiểu mới mà lợi ích song phương gắn chặt với địa chính trị toàn cầu.

Trụ cột đầu tiên và cũng là trọng yếu trong chiến lược Vùng Vịnh của Tổng thống Trump là tái định hình quan hệ an ninh khu vực, không chỉ vì mục tiêu chống khủng bố hay bảo vệ đồng minh, mà vì yêu cầu địa chính trị mang tính sống còn: giữ vững vị trí của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và Iran.

Điểm nhấn rõ nét nhất là gói bán vũ khí trị giá 142 tỷ USD cho Saudi Arabia, thương vụ quốc phòng lớn nhất trong lịch sử hai nước, và hơn 26 tỷ USD các hợp đồng quốc phòng với Qatar. Đây không đơn thuần là thương mại vũ khí. Trên bình diện chiến lược, đó là cách Washington duy trì “vòng tròn ảnh hưởng” trong hệ thống quân đội các nước vùng Vịnh thông qua huấn luyện, bảo trì và chuyển giao công nghệ trong nhiều thập kỷ tới.

Một trụ cột không kém phần quan trọng là thu hút đầu tư quy mô lớn từ các quốc gia giàu tài nguyên về Mỹ. Saudi Arabia cam kết 600 tỷ USD, còn Qatar góp hơn 240 tỷ USD, đặc biệt UAE cam kết đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD, những con số chưa từng có tiền lệ trong quan hệ đầu tư song phương Mỹ - Vùng Vịnh.

Điểm đáng chú ý là dòng vốn này không “rót” vào thị trường tài chính mà chảy vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hạ tầng kỹ thuật số, y tế và dữ liệu lớn, chính là những nền tảng mà nền kinh tế Mỹ muốn tái thiết để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là từ châu Á.

Thay vì chỉ là dòng tiền đơn thuần, đây là dòng vốn tái cấu trúc, mang theo hàm ý địa chiến lược rõ rệt. Nó không chỉ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm kỹ thuật cao, mà còn xây dựng lại hệ sinh thái công nghiệp nội địa, gia cố năng lực tự chủ, điều đặc biệt cần thiết trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược đa cực.

Nếu an ninh là điểm tựa chiến lược, đầu tư là đòn bẩy tài chính, thì trụ cột thứ ba - tái công nghiệp hóa nước Mỹ - chính là mục tiêu cốt lõi về nội trị và bản sắc kinh tế mà Tổng thống Trump luôn theo đuổi. Các hợp đồng thương mại trong chuyến thăm không chỉ tạo ra doanh thu xuất khẩu kỷ lục, mà còn khẳng định niềm tin toàn cầu vào năng lực sản xuất và chất lượng kỹ thuật của Mỹ, một giá trị từng bị mờ nhạt trong thời kỳ toàn cầu hóa sâu rộng.

Điều đáng lưu ý là sự chuyển hướng tư duy: từ nền kinh tế tiêu dùng sang nền kinh tế sáng tạo, từ “mua của thế giới” sang “bán cho thế giới” những gì tiên tiến nhất. Các hợp đồng xuất khẩu này chính là “cú hích” công nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm tại Mỹ, vừa duy trì động lực đổi mới - yếu tố sống còn để giữ vững ưu thế công nghệ trong thế kỷ 21.

Vùng Vịnh và toan tính chiến lược toàn cầu của Tổng thống Trump

Việc lựa chọn Saudi Arabia, Qatar và UAE làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn cho thấy rõ vị thế chiến lược của Vùng Vịnh trong cấu trúc quyền lực toàn cầu mà Nhà Trắng thời Tổng thống Trump muốn định hình lại. Chuyến thăm ba nước Vùng Vịnh là một mắt xích trong chiến lược đối ngoại mới của Mỹ, đồng thời gửi đi ba thông điệp chính trị rõ rệt.

Sau hơn 100 ngày đầu nhiệm kỳ với những khó khăn, thách thức, Tổng thống Trump cần một “chiến thắng” để xoay chuyển dư luận và củng cố vị thế lãnh đạo trong nước. Với các thỏa thuận trị giá hàng trăm tỷ USD tại Vùng Vịnh, ông Trump không chỉ khẳng định khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” mà còn trình diễn năng lực thương lượng và thúc đẩy kinh tế Mỹ. Những con số ấn tượng này được sử dụng như bằng chứng thuyết phục trước công chúng và giới lập pháp về hiệu quả điều hành của ông. Trong bối cảnh nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ và phe Dân chủ phản công mạnh mẽ, các kết quả từ chuyến thăm trở thành một “vaccine chính trị” giúp ông Trump củng cố sự ủng hộ trong nước.

Thông điệp thứ hai mà Tổng thống Trump gửi đi là sự chuyển hướng chiến lược rõ ràng: Trung Đông không còn là ưu tiên can thiệp sâu như thời các đời tổng thống tiền nhiệm, mà trở thành khu vực cần được “ổn định hóa nhanh” để Mỹ tập trung cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đó, Nhà Trắng chọn cách củng cố quan hệ đối tác thực dụng với các cường quốc Vùng Vịnh thông qua hợp tác kinh tế, quốc phòng và an ninh năng lượng. Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ưu tiên duy trì ổn định khu vực qua liên minh dựa trên lợi ích - đặc biệt là hợp đồng quốc phòng, đầu tư hạ tầng và năng lượng. Cách tiếp cận này cho phép Mỹ giải phóng nguồn lực chiến lược để tập trung vào cuộc cạnh tranh dài hạn với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung dù tạm “đình chiến” thương mại nhưng chưa hề “hòa giải”.

Giới phân tích cho rằng, các khoản đầu tư khổng lồ từ các quốc gia Vùng Vịnh vào Mỹ - từ vũ khí, hạ tầng đến tài chính - sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Washington thúc đẩy quá trình “tái thiết công nghiệp Mỹ” mà không phải lệ thuộc vào công nghệ và vốn từ Trung Quốc. Đây là một bước đi chiến lược sâu sắc, trong bối cảnh cấu trúc thương mại bất cân xứng và cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc vẫn là những “mồi lửa” tiềm tàng có thể khiến xung đột thương mại bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Thông điệp thứ ba và cũng là một trong những trọng tâm quan trọng của chuyến công du là phát tín hiệu rõ rệt tới Iran - quốc gia mà chính quyền Trump coi là nhân tố gây mất ổn định tại Trung Đông. Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân chưa đạt được kết quả cụ thể, ông Trump chọn cách xây dựng một liên minh phòng thủ khu vực nhằm kiềm chế sức mạnh địa chính trị ngày càng gia tăng của Tehran.

Không phải ngẫu nhiên khi những thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong chuyến thăm đều hướng tới việc hiện đại hóa quân đội các nước Sunni đồng minh của Mỹ, bao gồm chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa, UAV, và công nghệ chỉ huy hiện đại. Mục tiêu là tạo ra một “vành đai phòng thủ” tại Vùng Vịnh, có khả năng tự đối trọng với Iran và các lực lượng ủy nhiệm do Tehran dẫn dắt từ Yemen, Iraq đến Lebanon.

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump đến Vùng Vịnh là một nước đi chiến lược ba lớp: củng cố quyền lực đối nội, tái cấu trúc ưu tiên chiến lược để cạnh tranh với Trung Quốc, và thiết lập thế trận an ninh kiềm chế Iran. Tất cả được thực hiện thông qua các thỏa thuận kinh tế và quốc phòng trị giá hàng trăm tỷ USD - một phong cách ngoại giao thực dụng và giao dịch đặc trưng của ông Trump. Điều này không chỉ phản ánh cách tiếp cận mới của Mỹ tại Trung Đông, mà còn khắc họa rõ hơn chiến lược quyền lực toàn cầu mà ông Trump theo đuổi trong nhiệm kỳ của mình.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sau-hon-100-ngay-chat-vat-tong-thong-donald-trump-doi-von-ve-my-tu-vung-vinh-248921.htm
Zalo