Bối cảnh và tính toán của ông Trump khi tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có nhiều tính toán khi tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria.

Vừa qua, trong bài phát biểu tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria sẽ được dỡ bỏ. Tuyên bố này không chỉ khiến người dân Syria đổ ra đường ăn mừng mà còn là động lực to lớn cho chính quyền mới ở Damascus vốn lên nắm quyền sau khi nhà lãnh đạo Bashar al-Assad bị lật đổ vào tháng 12-2024.

"Hy vọng rằng một chính phủ mới sẽ thành công trong việc ổn định đất nước (Syria) và giữ gìn hòa bình. Tôi sẽ ra lệnh chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Syria để trao cho họ cơ hội đạt được sự vĩ đại. Đã đến lúc họ tỏa sáng" - ông Trump phát biểu trong ngày đầu tiên trong chuyến công du 4 ngày tới 3 nước Trung Đông.

Syria là một trong những quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, chịu nhiều lớp lệnh trừng phạt trực tiếp của Mỹ cũng như các lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào các quốc gia thứ ba có thể đầu tư vào Syria. Nền kinh tế Syria đã kiệt quệ trong những năm qua, một phần do nội chiến một phần do các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt loại bỏ quốc gia này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Syria là đối tác, không phải đối thủ của Mỹ

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 12 năm ngoái, chính quyền Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa đã nỗ lực tìm kiếm tính chính danh trên trường quốc tế.

Chính phủ mới này đã nỗ lực đồng bộ để thể hiện mình là một lực lượng ôn hòa có thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Trong đó có nỗ lực tách mình khỏi các nhóm "khủng bố" bị Mỹ dán nhãn, cam kết hợp tác với các quốc gia khác trong các nỗ lực "chống khủng bố" và đưa ra các tuyên bố ủng hộ quyền của nhóm thiểu số - điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giao tranh phe phái giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và các nhóm thiểu số sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ.

 Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa (từ trái sang) gặp nhau tại Riyadh hôm 14-5. Ảnh: KAROLINE LEAVITT/X

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa (từ trái sang) gặp nhau tại Riyadh hôm 14-5. Ảnh: KAROLINE LEAVITT/X

Nhờ những nỗ lực này, Mỹ đã bỏ việc treo thưởng cho ai bắt giữ ông al-Sharaa. Nhờ đó, tân tổng thống Syria đã có thể đi công du quốc tế và gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Saudi Arabia và Pháp.

Báo chí Mỹ tuần này cũng đưa tin rằng Syria đã cố gắng thuyết phục Mỹ rằng Syria không phải là mối đe dọa mà là một đối tác tiềm năng.

Syria chứng minh mình không phải là mối nguy cho Mỹ ở Trung Đông khi cho biết nước này đã tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp với Israel - đồng minh Trung Đông quan trọng của Mỹ, để giảm căng thẳng. Động thái này được đánh giá cao khi Israel đã tăng cường không kích Syria kể từ khi phe đối lập cầm quyền nước này sau khi lật đổ chính quyền ông al-Assad cũng như chiếm đóng lãnh thổ ở phía tây nam Syria với lý do bảo vệ các nhóm thiểu số Syria.

Về đối tác tiềm năng, Syria cũng đã đưa ra những lời mời chào làm ăn hấp dẫn với Mỹ, chẳng hạn xây dựng một tòa tháp Trump ở thủ đô Damascus và mở cửa cho Mỹ tiếp cận dầu khí của Syria.

Vừa đẹp lòng các bên, vừa sinh lợi cho doanh nghiệp Mỹ

Trả lời đài Al Jazeera, ông Omar Rahman, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, cho rằng mối quan hệ hữu hảo giữa Mỹ với Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương Quốc Ả rập thống nhất (UAE), vốn là các quốc gia đang thúc đẩy chấm dứt lệnh trừng phạt và hỗ trợ cho chính phủ mới của Syria, là một phần không thể thiếu trong quyết định dỡ trừng phạt của ông Trump.

 Người dân ở Damascus ăn mừng sau khi nghe tin ông Trump dỡ bỏ trừng phạt Syria. Ảnh: AFP

Người dân ở Damascus ăn mừng sau khi nghe tin ông Trump dỡ bỏ trừng phạt Syria. Ảnh: AFP

Cùng ý kiến, bà Mona Yacoubian của CSIS lưu ý đến việc kể từ chính quyền ông al-Assad sụp đổ, các bên liên quan ở Syria và quốc tế, trong đó có Saudi Arabia, Qatar và UAE cùng đưa quan điểm rằng lệnh trừng phạt Mỹ áp lên chính quyền ông al-Assad (để trừng phạt sự tàn bạo của chính quyền này) và duy trì cho chính quyền tân Tổng thống Syria al-Sharaa là điều lỗi thời.

“Tổng thống Trump dường như đã nắm bắt thời cơ ở Riyadh để đưa ra thông báo sẽ làm hài lòng nước chủ nhà Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác, vốn là những nước thúc đẩy việc nới lỏng lệnh trừng phạt Syria” - bà Yacoubian nhận định.

Theo bà Yacoubian, ông Trump có thể đã tính toán rằng việc gỡ các lệnh trừng phạt, vốn bóp nghẹt kinh tế Syria, sẽ không chỉ thể hiện thiện chí với các nước vùng Vịnh mà còn mở ra những thỏa thuận kinh tế “béo bở” cho doanh nghiệp Mỹ trong bối cảnh tái thiết và phát triển Syria dự kiến tiêu tốn khoảng 400 tỉ USD có nhiều dư địa đầu tư.

Trước đó, ông Jonathan Bass - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) công ty năng lượng Argent LNG, đã thúc giục chính quyền ông Trump đầu tư vào các dự án điện và năng lượng tại Syria sau khi ông Trump gặp Tổng thống Syria tại Saudi Arabia.

THU PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/boi-canh-va-tinh-toan-cua-ong-trump-khi-tuyen-bo-do-bo-trung-phat-syria-post850116.html
Zalo