Sau giải phóng, Tây Nguyên mất cả thập kỷ để truy quét Fulro
Sau ngày Tây Nguyên được giải phóng, cuộc chiến bảo vệ thành quả cách mạng, đặc biệt là đối phó với các thế lực thù địch, tổ chức phản động Fulro diễn ra cam go trong hàng thập kỷ. Nhưng với nỗ lực của bộ đội, công an, chính quyền các cấp, Tây Nguyên đã lấy lại được bình yên, trở thành vùng đất lành chim đậu.
Sau giải phóng, tháng 4/1975, các nhóm Fulro hoạt động hết sức ráo riết chống phá cách mạng, cướp bóc, sát hại bà con các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Tại biên giới tỉnh Đắk Nông có nhóm của Hoàng Huân, một cựu sĩ quan Ngụy thua trận, tập hợp cùng nhóm Y K’Lơng hoạt động; ở tỉnh Đắk Lắk có Y Djao Niê, nguyên Trung tá quân đội Sài Gòn, cùng nhiều lính Fulro hoành hành; còn ở Lâm Đồng có nhóm Nahria Ya Duck… Trước tình hình này, Ban Bí thư chỉ đạo Bộ Công an thành lập Tiểu đoàn 177 với 310 cán bộ, chiến sĩ, biệt phái vào Tây Nguyên phối hợp cùng quân-dân địa phương truy quét.
Thượng tá Vũ Thành, 78 tuổi, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 177 Bộ Công an, người tham gia nhiều trận đánh Fulro ở tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cho biết, trong gần 40 năm công tác, ông và đồng đội đã tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên, trong đó chiến công đáng nhớ nhất là bắt giữ Hoàng Huân, một thủ lĩnh Fulro, tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Thượng tá Vũ Thành tự hào kể lại: “Hoàng Huân cùng hơn hai chục tên chạy ra rừng tìm cách cấu kết với Trung đoàn 64 Fulro do Y K’Lơng làm Trung đoàn trưởng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ cướp chính quyền huyện Đắk Mil. Ngày 6/4/1977, chúng tôi chia làm 2 mũi hành quân càn quét và đến trưa thì phát hiện dấu vết là tiếng radio do địch mở, và tôi phát hiện thấy Huân thì bắn ngay 3 loạt trúng đạn hắn ngã xuống và bắt trói được người này. Khi bắt được Hoàng Huân đầu sỏ, đã khai thác ra danh sách toàn bộ tổ chức và mấy ngày sau tất cả mấy chục tên ra đầu hàng, đầu thú hết.”
Thượng tá Vi Văn Tiếp, 67 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ, đồng đội của Thượng tá Vũ Thành, cũng tham gia chiến đấu và tiêu diệt nhiều quân Fulro ở Đắk Lắk. Ông chia sẻ, vào thời điểm đó, các nhóm Fulro do Y Djao Niê cầm đầu thường ẩn nấp và hoạt động tại các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột.

Ở tuổi 70, Thượng tá Vi Văn Tiếp đang sinh sống ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và gắn bó với vườn tược.
Một kỷ niệm khó quên của ông là lần tiêu diệt nhóm Fulro tay chân của Y Djao Niê đang cướp phá ở buôn làng huyện Cư M’gar vào tháng 9 năm 1978.
“9h sáng hôm đó, bọn Fulro khoảng 15 tên, chúng rất hung hãn và manh động, đã xông vào nhà dân ở huyện Cư M’gar để cướp tài sản, lương thực. Dân báo tin, chúng tôi huy động 15 cán bộ, chiến sĩ lập tức triển khai truy kích gấp. Khi đến khu vực xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, chúng chuẩn bị băng qua Quốc lộ 14. Tôi phát hiện và hô hào anh em chiến đấu. Nghe lệnh, đồng chí Lý Văn Cọt rút lựu đạn ném về phía chúng và lựu đạn phát nổ. Cả nhóm bỏ chạy, hai tên bị thương chúng tôi bắt được.” - Thượng tá Vi Văn Tiếp chia sẻ.
Trong lực lượng truy quét Fulro những năm sau giải phóng, có cả những nữ quân nhân quả cảm. Như nữ cựu binh Võ Thị Hồng Liễu, 78 tuổi, ở thành phố Buôn Ma Thuột. Gia nhập Đoàn 559-Sư đoàn 34, Bộ Quốc phòng năm 1968 tại quê nhà Quảng Bình, rồi học quân y và lên công tác tại Công ty Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, nhưng bà cũng thành thạo cả võ thuật và bắn súng. Mỗi khi tỉnh Đắk Lắk mở chiến dịch truy quét, bà luôn tình nguyện tham gia.

Cựu chiến binh Võ Thị Hồng Liễu .
Bà Võ Thị Hồng Liễu nhớ lại một lần tham gia bắt giữ nhóm Fulro tại huyện Krông Pắc vào tháng 10 năm 1978.
“Hồi đó một toán Fulro đã tấn công ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột và đánh bị thương mấy người luôn, rồi có 3 tên trốn về xã Ea Knếck, huyện Krông Pắc. Tỉnh kêu gọi thanh niên tham gia bắt Fulro, ở cơ quan tôi thì tôi xung phong đi và đến mật phục ở nhà nó một đêm. Đêm đó, tôi cùng các đồng chí công an, bộ đội mật phục ở ngoài và cả trong nhà mấy tên Fulro này. Rồi đêm nó mò về, chúng tôi ập ra bắt sống 3 tên luôn ngay tại cầu thang nhà nó.” - bà Liễu chia sẻ.

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trung tâm của vùng Tây Nguyên.
Sau giải phóng, ở Tây Nguyên có 1.847 buôn làng, thì có tới 871 buôn làng bị Fulro khống chế và 210/350 xã bị chúng đe dọa. Tổ chức phản động này đã gây ra hàng nghìn vụ tấn công vũ trang, giết hại và làm bị thương trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta. Chúng còn lôi kéo hơn 10.000 thanh niên tham gia chống phá Đảng, Nhà nước và trắng trợn đòi thành lập Nhà nước li khai Đề Ga.
Ông Lê Chí Quyết, 98 tuổi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Fulro hoạt động chủ yếu trên ba tuyến gồm: lực lượng vũ trang trong rừng sâu, lực lượng cắm tại buôn làng chuyên cướp bóc, và lực lượng lôi kéo bà con tham gia tấn công các đồn biên phòng ở biên giới. Để tiêu diệt hoàn toàn Fulro, phải tấn công đồng thời trên cả ba tuyến.

Cựu chiến binh Lê Chí Quyết đã gần 100 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, luôn tự hào về những năm tháng tham gia truy quét Fulro.
Theo ông Lê Chí Quyết, đây là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi cả đấu tranh chính trị và vũ trang, vừa cương quyết vừa khôn khéo: “Ban Bí thư hồi ấy chỉ rõ phải giải quyết bằng được vấn đề Fulro. Nhiệm vụ chủ yếu là tấn công vũ trang tiêu diệt bọn chúng ngoài rừng, đánh cho chúng không thể xây dựng căn cứ. Tiếp đến là ngăn chặn chúng lôi kéo dân ra ngoài rừng, bóc tách hồ sơ để ngăn không cho chúng đưa thanh niên vượt biên. Đưa cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh xuống bám sát buôn làng tuyên truyền, vận động bà con nêu cao cảnh giác, không theo kẻ xấu chống phá cách mạng”.
Dù tổ chức Fulro ở hải ngoại, đến nay chưa từ bỏ mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng, nhưng với bản lĩnh cách mạng vững vàng, tinh thần cảnh giác cao và đấu tranh kiên quyết, khôn khéo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đã liên tục làm thất bại các âm mưu. Cùng cả nước, Tây Nguyên vững bước phát triển từng ngày, trở thành điểm đến an lành, nghĩa tình cho bà con các dân tộc từ mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp. Tây Nguyên bây giờ vừa là phên giậu quốc gia về quốc phòng – an ninh, vừa là vùng đất xanh tươi, giàu bản sắc và thấm đẫm tinh thần đại đoàn kết dân tộc.