Sau 'Địa Đạo', sắp có thêm phim điện ảnh về đề tài chiến tranh đầy nghẹt thở
Ngay từ trailer, bộ phim này đã hứa hẹn sẽ khiến nhiều khán giả rơi nước mắt khi khắc họa lại một trong những trận chiến bi hùng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nếu như Địa Đạo: Mặt Trời trong bóng tối là bộ phim được nhiều người lựa chọn xem trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì Mưa Đỏ sẽ là tác phẩm rất đáng chờ đợi, khi dự kiến phát hành vào dịp chào mừng 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).
Phim được lấy cảm hứng và có thêm chi tiết hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 81 ngày đêm ấy đã trở thành huyền thoại, là một trong những trận chiến bi hùng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi của nước ta trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Teaser trailer bắt đầu với một đốm pháo sáng, mở đầu cho những tiếng bom dội đạn nổ xuyên suốt sau đó. “Chúng ta chỉ có hướng sông Thạch Hãn để chuyển quân” - và cứ thế từng toán quân trầm mình xuống dòng nước, từng tốp người lặng lẽ cẩn thận di chuyển qua sông. Dù đất cháy, trời gầm, dù nước sông loang máu, những tốp người ấy vẫn không ngừng tiến về phía trước.

Những chàng trai trẻ gác bút nghiên lên đường ra mặt trận.
Khán giả được nhìn lại mùa Hè năm 1972 dữ dội mà đầy cảm xúc thông qua những gương mặt trẻ trung, gan góc của Tiểu đội 1 - những chàng trai mang theo nhiệt huyết tuổi đôi mươi bước vào chiến trường. Họ vốn chỉ là học sinh, sinh viên hay nông dân chân chất, nào có ai quen cầm súng bao giờ. Thế mà khi Tổ quốc cần, họ vẫn không tiếc máu xương và tuổi trẻ, kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất Thành cổ.

Họ kiên cường bám trụ để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Không có bầu trời xanh ngắt màu tự do mà là những màn đêm đen thẳm được thắp sáng bằng pháo hiệu, bằng ánh lửa của đạn bom, bằng màu đỏ thẫm nhuộm tấm áo lính bám đầy bụi đất. Tất cả bọn họ đều đã sẵn sàng để “tuổi hai mươi thành sóng nước, vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Có những người đã mãi mãi nằm lại ở tuổi 20.
Thế nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc? Khi lần lượt từng người một ngã xuống, vị bác sĩ quân y (Hứa Vĩ Văn thủ vai) phải thốt lên nghẹn ngào: “Mỗi ngày mất đi hàng trăm người.” Khúc tráng ca nơi Thành cổ năm ấy viết bằng tiếng xung phong ra trận, bằng mồ hôi và cả máu xương của những người lính trẻ đấu tranh vì Tổ quốc chẳng tiếc thân mình.