Động đất tại Myanmar: Lo ngại khi khép lại 'thời gian vàng' cho nỗ lực cứu hộ người sống sót

Các chuyên gia lo ngại rằng con số thương vong thực sự trong thảm họa động đất tại Myanmar có thể phải mất nhiều tuần mới được công bố chính xác.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 30/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 30/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ đang tuyệt vọng tìm kiếm những người sống sót sau hơn ba ngày trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra ở Myanmar, làm đổ sập các tòa nhà ở tận Thủ đô Bangkok của Thái Lan.

72 giờ đầu tiên sau trận động đất được coi là "thời gian vàng” để tiếp cận những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau khoảng thời gian này, cơ hội sống sót sẽ “giảm nhanh chóng” khi không có nguồn nước.

Theo CNN, nhà chức trách cho hay hơn 2.000 người hiện được xác nhận đã thiệt mạng ở Myanmar sau trận động đất lớn nhất tàn phá tại quốc gia này trong hơn một thế kỷ. Các chuyên gia lo ngại rằng số người chết thực sự có thể phải mất nhiều tuần mới được công bố chính xác.

Trận động đất đã gây thiệt hại trên diện rộng, khiến những cây cầu và nhiều tòa nhà sụp đổ, bao gồm cả ở Bangkok - nơi chính quyền đang nỗ lực giải cứu hàng chục người được cho là mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà cao tầng đang xây.

Tâm chấn được ghi nhận tại khu vực Sagaing ở miền Trung Myanmar, gần cố đô Mandalay, nơi có khoảng 1,5 triệu người sinh sống, cùng nhiều quần thể đền thờ và cung điện lịch sử.

Theo các quan chức địa phương, những người ở tâm chấn của trận động đất phần lớn bị cô lập sau khi một cây cầu quan trọng bắc qua Sông Irrawaddy của đất nước này bị sập.

Trong khi đó, viện trợ nước ngoài và các đội cứu hộ quốc tế đã bắt đầu đến Myanmar sau khi chính quyền quân sự nước này đưa ra lời kêu gọi hộ trợ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một nhóm chuyên gia nước này đang tới Myanmar sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ chính thức từ chính quyền quốc gia Đông Nam Á.

Trận động đất ngày 28/3 là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất tấn công Myanmar trong nhiều năm, làm hư hại mạng lưới thông tin liên lạc, tàn phá cơ sở hạ tầng y tế và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh không đủ thức ăn và nơi trú ẩn.

Dưới đây là một số thông tin do CNN cập nhật trong một bản tin đăng tải lúc 15h15 ngày 31/3 giờ EDT (2h15 sáng 1/4 theo giờ Việt Nam):

Con số thương vong lớn

Chính quyền quân sự Myanmar ngày 31/3 cho biết ít nhất 2.056 người đã chết và hơn 3.900 người bị thương, trong khi gần 300 người khác vẫn đang mất tích.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính số người chết “cuối cùng” có thể vượt quá 10.000 người, dựa trên mô hình [dự báo] ban đầu.

 Lực lượng cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Bangkok (Thái Lan) đổ sập do ảnh hưởng của động đất tại Myanmar ngày 29/3/2025. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Bangkok (Thái Lan) đổ sập do ảnh hưởng của động đất tại Myanmar ngày 29/3/2025. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tại Bangkok, cách tâm chấn hàng trăm km, ít nhất 18 người đã thiệt mạng. Trong số đó, 11 người đã tử vong khi một tòa nhà đang xây dựng bị sập trong vài phút và khiến hàng chục người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Bảy trường hợp tử vong đã được báo cáo ở những nơi khác tại thủ đô của Thái Lan.

Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang được tiến hành tại Bangkok khi còn khoảng 80 người mất tích, trong khi các gia đình tập trung tại hiện trường tòa nhà cao tầng bị sập để chờ tin tức về người thân của mình.

"Tôi đã gọi cho chồng tôi trong vô số lần - anh ấy bị mắc kẹt bên trong. Có lẽ là 100 đến 200 cuộc gọi mỗi ngày, nhưng tôi không liên lạc được" - Kannika Noommisri nói với Reuters.

Đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Myanmar kể từ khi trận động đất có độ lớn 7,9 xảy ra vào năm 1912 tại Taunggyi, một thành phố khác cũng ở miền trung Myanmar.

Theo USGS, các cơn dư chấn, trong đó lớn nhất là trận động đất có độ lớn 6,7 xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước, đã tiếp diễn đến cả cuối tuần.

Tàn phá diện rộng

Theo một quan chức của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC), mức độ tàn phá mà Myanmar phải gánh chịu "là chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á."

Trao đổi với CNN từ Yangon, Marie Manrique - điều phối viên chương trình Myanmar của IFRC cho biết hiện chỉ còn "cơ hội nhỏ" để tiếp cận những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Một người phụ nữ ở Mandalay nhớ lại: “Nó sập xuống rất mạnh, rất nhanh.” Chị kể về phần bức tường đổ sập xuống phía người bà của mình đang ngồi gần đó, chôn vùi chân bà trong đống đổ nát và những mảnh vỡ.

Một cựu luật sư trong thành phố cũng nói với CNN rằng ba thành viên trong gia đình vợ ông đã thiệt mạng trong trận động đất.

 Lực lượng cứu hộ chuyển người sống sót sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ chuyển người sống sót sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một người khác cho biết trận động đất cũng đã phá hủy một số nhà thờ Hồi giáo trong thành phố, nơi có rất đông tín đồ tham dự một buổi cầu nguyện.

Kể từ khi trận động đất xảy ra, việc liên lạc với người dân ở Myanmar, bao gồm cả Mandalay, trở nên khó khăn. Điều này khiến việc đánh giá mức độ thiệt hại thực sự trở nên khó khăn.

Save the Children, một tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng, đã truyền đạt lời của một người cha ở bang Shan, miền Đông nơi chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Người già và trẻ em bị chóng mặt và ngất xỉu… Trận động đất cực mạnh, tất cả chúng tôi đều bị sốc. Những đứa trẻ kêu khóc và la hét vì sợ hãi ” - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng hiện tại mọi người đang rất cần thực phẩm và nước uống.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ở phía Nam, các thị trấn Nyaungshwe, Kalaw và Pinlaung là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất.

Cơ quan này cho biết: "Hàng nghìn người đang phải ngủ qua đêm trên đường phố do nhà cửa bị phá hủy, họ cũng lo sợ động đất xảy ra thêm."

Theo truyền thông Trung Quốc, tại Thủ đô Naypyidaw, cách Mandalay 160 dặm (257km) về phía Nam, một bệnh viện ba tầng đã bị sập một phần, khiến nhiều bệnh nhân bị kẹt dưới đống đổ nát. Khoảng 40 giờ sau trận động đất, đội cứu hộ Trung Quốc đã giải cứu được một người khỏi đống đổ nát.

Theo OCHA, các báo cáo tính đến ngày 30/3 cho biết gần 1.700 ngôi nhà, 670 tu viện, 60 trường học và ba cây cầu đã bị hư hại, và có những lo ngại về cấu trúc của các con đập lớn. Cơ quan này cũng ghi nhận thiệt hại đối với các bệnh viện, trường đại học, các tòa nhà lịch sử và công cộng.

Cây cầu bắc qua sông Irrawaddy hùng vỹ gần Mandalay đã bị phá hủy, hầu như các nhịp cầu đều đã sập hoàn toàn hoặc một phần xuống nước.

Po Po, một giáo viên ở thành phố Sagaing, nói với CNN: “Cây cầu Sagaing cũ đã bị phá hủy còn cây cầu mới không còn sử dụng được nữa. Việc cứu trợ từ các thành phố khác trở nên khó khăn.”

Tính đến ngày 30/3, các đội đã giải cứu được 36 người sống sót từ các tòa nhà bị sập trên khắp khu vực Sagaing.

 Lực lượng cứu hộ chuyển người sống sót sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ chuyển người sống sót sau động đất tại Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Các thi thể vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát, và những thi thể được tìm thấy vẫn chưa được chôn cất, gây ra mùi hôi thối có nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe” - một tuyên bố từ Đơn vị Liên bang Sagaing Hluttaw cho biết.

Viện trợ nước ngoài

Một số quốc gia đã triển khai nguồn lực để hỗ trợ hoạt động cứu hộ và cứu trợ sau khi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar lên tiếng yêu cầu giúp đỡ.

Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đưa tin một nhóm từ Trung Quốc đã đến Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar - vào ngày 29/3. Bắc Kinh cam kết một khoản viện trợ nhân đạo trị giá 13,8 triệu USD.

Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết Nga cũng nhanh chóng triển khai đội ngũ bác sỹ, nhà tâm lý học và cả chó nghiệp vụ tới Myanmar. Vương quốc Anh, Ireland và Australia sẽ quyên góp các gói viện trợ nhân đạo trị giá tổng cộng hơn 20 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả trận động đất là "khủng khiếp" và tuyên bố Mỹ cũng sẽ gửi hỗ trợ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho hay nhóm chuyên gia nhân đạo của USAID có trụ sở tại khu vực đến Myanmar để xác định những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân, bao gồm nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm, nhu cầu y tế và khả năng tiếp cận nước sạch.

Ấn Độ, Singapore và Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc) cũng tuyên bố sẽ gửi viện trợ.

Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ viện trợ ngay lập tức 5 triệu USD cho Myanmar và cho biết đang huy động các nhóm tham gia nỗ lực cứu trợ.

Tuy nhiên, các đội cứu hộ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn sau khi cơ sở hạ tầng vốn bị suy yếu do cuộc nội chiến ở Myanmar, bị hư hại thêm do trận động đất.

Những nỗ lực cũng “có thể phức tạp” vì vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất bao gồm các khu vực giao tranh dữ dội kể từ khi chính quyền quân sự nắm quyền vào năm 2021 và nơi các chính quyền đối địch - chính quyền quân sự và các nhóm phiến quân - hoạt động riêng biệt.

 Lực lượng cứu hộ Trung Quốc và đội cứu hộ dân sự của Ramunion Rescue giải cứu thành công thai phụ mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà ở thành phố Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ Trung Quốc và đội cứu hộ dân sự của Ramunion Rescue giải cứu thành công thai phụ mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà ở thành phố Mandalay (Myanmar) ngày 31/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Liên hợp quốc, các nhóm cứu trợ cho biết đường sá bị phá hủy, các đống đổ nát và tình trạng mất thông tin liên lạc đang cản trở các nỗ lực của họ.

OCHA cho biết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn cung cấp y tế - bao gồm dụng cụ xử lý chấn thương, túi máu, thuốc gây mê và các thiết bị hỗ trợ khác - cũng làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu trợ. Các nhân viên y tế tại địa phương đang phải vật lộn để tiếp nhận dòng người bị thương.

IFRC đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp 100 triệu franc Thụy Sĩ (113 triệu USD) để cứu trợ cho Myanmar trong hai năm tới.

“Nhu cầu hỗ trợ là cấp thiết” - Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại IFRC, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 30/3. “Đây không chỉ là một thảm họa, đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp chồng chéo lên các điểm yếu hiện có.”

Richard Horsey thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nói với CNN: “Mối lo thực sự của tôi là cộng đồng quốc tế sẽ không phản ứng ở quy mô cần thiết.”

Vì sao trận động đất có sức tàn phá lớn như vậy?

Myanmar nằm trên vành đai động đất hoạt động mạnh, nhưng nhiều trận động đất thường xảy ra ở những khu vực thưa dân, không phải ở những thành phố như những nơi bị ảnh hưởng hôm 28/3.

USGS và trung tâm khoa học địa chất GFZ của Đức cho biết trận động đất này xảy ra “nông” - ở độ sâu 10km. Động đất “nông” hơn có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Một nhà địa chất nói với CNN rằng năng lượng giải phóng từ trận động đất tương đương với 334 quả bom nguyên tử, đồng thời cảnh báo rằng dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Các nhà khoa học cho biết trận động đất xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing, chạy theo hướng Bắc-Nam qua Myanmar, và đó là đứt gãy "trượt ngang," khi hai mảng kiến tạo dịch chuyển chủ yếu theo chiều ngang.

Brian Baptie, nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Anh, cho biết vụ “nứt vỡ” đã làm mặt đất dịch chuyển đến 5m trong khoảng một phút ở một số khu vực.

Vì hầu hết các tòa nhà trong khu vực đều được làm bằng gỗ hoặc gạch xây không cốt thép nên chúng rất dễ bị hư hại do động đất, ông nói./.

 Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay (Myanmar). (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay (Myanmar). (Ảnh: THX/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dong-dat-tai-myanmar-lo-ngai-khi-khep-lai-thoi-gian-vang-cho-no-luc-cuu-ho-nguoi-song-sot-post1024011.vnp
Zalo