Chờ 'cú nước rút' tại Dự án sân bay Long Thành

Các chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I được yêu cầu triển khai nhanh nhất với quyết tâm cao nhất, trước mắt phải xác định mốc thời gian hoàn thành một số hạng mục vào thời điểm 30/4/2025.

Thi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Định rõ mục tiêu

Tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong việc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I được thể hiện rất rõ trong Thông báo số 16/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án vừa được tổ chức tuần trước.

Cuộc họp quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với công trình trọng điểm quốc gia này có các chủ đầu tư 3/4 dự án thành phần quan trọng nhất, gồm: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM (Dự án thành phần 2), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (Dự án thành phần 3); Cục Hàng không Việt Nam (Dự án thành phần 4) và 2 hãng bay lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air).

Theo tư lệnh ngành GTVT, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước rất quan tâm; Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm, đôn đốc để đảm bảo Dự án được triển khai nhanh nhất với quyết tâm cao nhất.

Theo đó, các đơn vị chủ đầu tư cần xác định mốc thời gian hoàn thành một số hạng mục vào thời điểm 30/4/2025 - chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời xác định mốc thời gian đưa Dự án vào hoạt động để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cũng như phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ GTVT đã bố trí Tổ công tác làm việc tại hiện trường để cùng các chủ đầu tư dự án thành phần, đặc biệt là Dự án thành phần 3, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hướng tới mục tiêu hoành thành, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I vào ngày 31/12/2025, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Hồng Minh, thực tế cho thấy, khối lượng còn lại của Dự án còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là công tác lắp đặt thiết bị của Nhà ga hành khách (phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài) và triển khai đường cất - hạ cánh số 2.

Đối với Dự án thành phần 4, mặc dù đã lựa chọn được nhà đầu tư 6/6 hạng mục, nhưng các hạng mục còn lại vẫn chưa được triển khai kịp thời.

“Các cơ quan, đơn vị cần phải tập trung, kịp thời tham mưu giải quyết các đề xuất, kiến nghị đối với các nội dung vượt thẩm quyền, cũng như tập trung tháo gỡ các vướng mắc, không đùn đẩy tránh nhiệm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo.

Với Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay), mặc dù tiến độ đang được kiểm soát tốt, nhưng do phải nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài, nên vẫn tiềm ẩn rủi ro về tiến độ hoàn thành.

“Yêu cầu VATM làm việc cụ thể với các nhà sản xuất, nhà cung cấp làm rõ tiến độ theo tháng, cơ chế kiểm soát tiến độ, dự phòng trường hợp các lô hàng không về theo kế hoạch, báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở kiểm điểm, đôn đốc tiến độ hằng tháng”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo.

Đối với Dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ hàng không), Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư xây dựng phương án khai thác cụ thể trong trường hợp Dự án đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2025.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam phải tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư xây dựng tiến độ tổng thể, chi tiết, làm cơ sở kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, đảm bảo hoàn thành đồng bộ toàn Dự án.

Cũng liên quan tới Dự án thành phần 4, Bộ trưởng Bộ GTVT giao ACV phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và nhà đầu tư Dự án Hangar số 5, số 6 để xây dựng phương án đầu tư hạ tầng kết nối đến hangar số 5, số 6 (bao gồm san nền, đường lăn song song kéo dài, sân đỗ tàu bay trước hangar, hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước…), đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí, hiệu quả và phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Xử lý đường găng chính

Thử thách cực đại trong cuộc đua rút ngắn tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang nằm ở Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) do ACV làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 99.019,2 tỷ đồng, chiếm 90,8% tổng mức đầu tư toàn công trình.

Dự án thành phần 3 được chia thành 16 gói thầu xây lắp và thiết bị. Tính đến cuối tháng 12/2024, có 3/16 gói đã cơ bản hoàn thành; 7/16 gói đang triển khai thi công; 3/16 gói đang lựa chọn nhà thầu xây lắp và 3/16 gói khác đang thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách ACV, các gói thầu đang có tiến độ thi công bám sát mốc kế hoạch đề ra, trong đó, Gói thầu 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hàng khách) được coi là “trái tim” và cũng là đường găng tiến độ chính của Dự án.

Đây là công trình nhà ga hành khách có rất nhiều hạng mục phức tạp, có tính chất kỹ thuật cao, được thiết kế với công nghệ tự động hóa tiên tiến và hiện đại đang được áp dụng tại các sân bay mới và lớn trên thế giới.

Gói thầu 5.10 do liên danh VIETUR thi công với giá trúng thầu là 27.814 tỷ đồng và 338,8 triệu USD; được khởi công vào tháng 7/2023, tiến độ hoàn thành theo hợp đồng vào cuối tháng 11/2026 (39 tháng).

Ngay tại giai đoạn tham gia dự thầu, liên danh VIETUR đã chỉ ra rằng, mục tiêu hoàn thành đưa công trình vào khai thác cuối tháng 11/2026 là một thách thức. Nhà thầu đang áp dụng nhiều biện pháp để rút ngắn tiến độ thi công, cố gắng hoàn thành các hạng mục chính của Gói thầu 5.10 trong năm 2025.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là, nhà thầu sẽ không thể hoàn thành tất cả hạng mục cơ điện, phòng cháy, chữa cháy, tích hợp hệ thống thiết bị nhà ga… trong năm 2025. Những nỗ lực nêu trên của nhà thầu cũng chỉ rút ngắn thời gian hoàn thành và có thể đưa vào khai thác nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành về mốc 31/8/2026. Việc rút ngắn tiến độ Gói thầu 5.10 gặp khó khăn do nhiều hạng mục hệ thống, thiết bị quan trọng cho hoạt động khai thác nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành đều là những thiết bị hàng không chuyên dụng, có khối lượng lớn, phải đặt hàng sản xuất và nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu…, nên cần nhiều thời gian để sản xuất, vận chuyển về công trường.

“Đặc biệt, để đạt được tiến độ hoàn thành trước ngày 31/8/2026, IC Ictas - nhà thầu chính trong liên danh VIETUR - đang đề xuất chủ đầu tư thanh toán chi phí phát sinh do yêu cầu rút ngắn tiến độ là hơn 1.700 tỷ đồng”, lãnh đạo ACV cho biết.

Để đảm bảo đưa Dự án thành phần 3 vào khai thác như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu ACV phân tích, đánh giá kỹ lưỡng việc rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, tính toán điều kiện thời tiết, dây chuyền công nghệ, bố trí mặt bằng thi công hợp lý, không để chồng lấn, xung đột công địa thi công, trình tự thi công các hạng mục theo cao độ thiết kế ảnh hưởng đến quá trình thi công các hạng mục khác, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng hợp, trong đó nêu rõ các hạng mục công trình hoàn thành vào thời điểm 30/4/2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các hạng mục có thể hoàn thành trước 31/12/2025; các hạng mục không thể hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Trên cơ sở đó, xây dựng lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết theo mốc thời gian hoàn thành toàn bộ Dự án, phải xác định được khối lượng và sản lượng thi công hàng tháng; trước ngày mùng 5 hàng tháng phải báo cáo khối lượng, sản lượng thi công của tháng trước; có đánh giá và so sánh với khối lượng, sản lượng kế hoạch; báo cáo khối lượng, sản lượng kế hoạch của tháng tiếp theo, làm cơ sở để đánh giá, kiểm điểm đối với từng nhà thầu”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu.

Tiến độ triển khai Dự án thành phần 4, tính đến giữa tháng 1/2025

- Đối với 6 dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành công tác đàm phán, hoàn thiện và ký hợp đồng 6/6 dự án:

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không số 1 có nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS).

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không số 2 có nhà đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam (VINACS).

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 1 có nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 có nhà đầu tư là Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS).

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1 có nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO).

- Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 4 có nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO).

+ Đối với 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 5 và số 6 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đã có Quyết định số 01/QĐ-BGTVT, ngày 3/1/2025 phê duyệt thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư.

+ Trên cơ sở thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư được duyệt, Cục Hàng không Việt Nam đang khẩn trương đăng tải thông tin dự án theo quy định; lập, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ mời thầu 2 dự án hangar số 5 và số 6. Dự kiến phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 1/2025.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cho-cu-nuoc-rut-tai-du-an-san-bay-long-thanh-d242415.html
Zalo