Sắp xếp, xử lý tài sản công khi thực hiện chính quyền 2 cấp
Chuẩn bị cho việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp tới đây, Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công.
Sắp xếp tài sản công đồng thời với tổ chức lại đơn vị hành chính
Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra nguyên tắc chung trong việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, phân loại, lập danh sách tài sản công; báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý; thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tài chính hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện chính quyền 2 cấp. Ảnh minh họa
Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản.
Tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài. Không phải thực hiện quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ khi thực hiện bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
Ưu tiên điều hòa, bố trí hợp lý tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương. Trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, thì thực hiện chuyển đổi để phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Có thể bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, đơn vị
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Đáng lưu ý, có thể bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý như quy định hiện hành.

Ảnh minh họa
Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp, được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao….)...
Đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù, xử lý theo nguyên tắc đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ, thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.
Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng, xử lý theo nguyên tắc cơ quan, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ có sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.
Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc, thiết bị dùng chung và các tài sản khác, ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyển đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.
Trường hợp còn dôi dư, thực hiện điều hòa giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong huyện, trong tỉnh hoặc xử lý theo quy định.
Giao trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản
Bộ Tài chính giao UBND cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định.