Sẽ không còn thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ không còn thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương...

Ảnh minh họa.
Nội dung được đề cập trong Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
CHUYỂN CÁC HUYỆN ĐẢO THÀNH ĐẶC KHU
Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Theo đó, Chính phủ thống nhất sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu (không còn loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn).
Đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp, thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường; sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã.
Đề án của Chính phủ cũng thống nhất chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã, có tên gọi là đặc khu.
Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ huyện đảo. 11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo. Riêng đối với Thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc Thành phố Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng, nghiên cứu thành lập 2 đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu.
Cũng theo Đề án, trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà đơn vị hành chính cấp xã đó trực thuộc.
Không bắt buộc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối với các đơn vị hành chính liền kề, hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm còn khoảng 60 - 70% so với số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, phải bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách, chênh lệch lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp.
GIẢM 60 - 70% ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ SO VỚI HIỆN NAY
Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã, Đề án nêu rõ, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở nước ta, căn cứ cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, kinh nghiệm quốc tế và mô hình chính quyền địa phương cấp xã theo định hướng mới, đề xuất tiêu chí, tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã.

Ảnh minh họa: Internet.
Cụ thể, căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Đồng thời, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên, và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc trường hợp nêu trên, có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Phường hình thành sau sắp xếp thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số từ 21.000 người trở lên; diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km trở lên.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm quốc phòng, an ninh theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới, thì không phải xem xét, đánh giá tiêu chuẩn. Nếu đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn quy định, mà không thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.