Sắp xếp hơn 1.000 cán bộ, công chức các cấp dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính ở Nghệ An

Tại Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 18 đã tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn chung quanh phương án sắp xếp hơn 1.000 cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là vấn đề được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Mong Văn Tình, tổ đại biểu huyện Quế Phong, chất vấn.

Đại biểu Mong Văn Tình, tổ đại biểu huyện Quế Phong, chất vấn.

Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và bốn xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh. Nghệ An từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện.

Đối với cấp xã, Nghệ An sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính thành 44 đơn vị hành chính, giảm 48 đơn vị hành chính. Nghệ An sẽ từ 460 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 412 đơn vị hành chính cấp xã.

Hiện nay, các đề án về mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Nghệ An đã trình Bộ Nội vụ thẩm định để trình Chính phủ. Dự kiến trong tháng 10/2024, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua, làm cơ sở pháp lý để tỉnh thực hiện.

Theo tính toán của ngành nội vụ, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo phương án trên, dự kiến toàn tỉnh sẽ dôi dư hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh thì số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư dự kiến là 207 người. Còn ở cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp, dự kiến dôi dư 799 người.

Số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập ở hai cấp này sẽ thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng theo quy định. Theo đó, dự kiến bố trí 541 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số còn dôi dư sẽ cho nghỉ và giải quyết chế độ theo quy định theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng trả lời chất vấn về sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập.

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng trả lời chất vấn về sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết: Đối với số lượng 207 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư sau sáp nhập, tỉnh đã xây dựng phương án và lộ trình giảm từng năm. Cụ thể, từ năm 2025 đến năm 2029, giảm lần lượt từng năm là 44, 39, 42, 41 và 41 người.

Tương tự, đối với 799 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, phương án, lộ trình giảm từng năm; theo đó, từ năm 2025 đến năm 2029 giảm lần lượt là 297, 129, 111, 119 và 143 người.

Số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã trên sẽ giảm theo các hình thức như: nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chuyển việc khác hoặc chuyển đơn vị khác khi còn thiếu biên chế.

“Đây là lộ trình và phương án được thống kê, phân tích cụ thể trong quá trình xây dựng đề án trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tùy tình hình thực tiễn hàng năm, trong quá trình triển khai, các địa phương sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm giải quyết trong vòng 5 năm theo quy định”, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết.

Đại biểu Mong Văn Tình, Tổ đại biểu huyện Quế Phong chất vấn: Sau khi sáp nhập, dân số tăng, địa giới hành chính rộng hơn và áp lực, khối lượng công việc sẽ lớn hơn, đề nghị lãnh đạo ngành cho biết giải pháp giúp các công chức nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, để giảm áp lực, nâng cao hiệu quả công việc, giải pháp quan trọng là phải tập trung cải cách hành chính; đồng thời trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân cấp, Ủy ban nhân dân các huyện điều chỉnh phù hợp số lượng công chức giữa các khâu để bảo đảm hiệu quả công việc; gắn với bồi dưỡng, đào tạo và có các hình thức khuyến khích, động viên phù hợp...

Cùng với phương án sắp xếp số cán bộ dôi dư sau sáp nhập, các phương án sắp xếp cơ sở vật chất và trường học cũng được các ngành, địa phương tính toán kỹ, hiệu quả nhằm vừa tránh lãng phí, vừa phát huy công năng sử dụng…

Trên cơ sở báo cáo và diễn biến phiên chất vấn về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025 là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Đây là vấn đề khó, phức tạp, do tác động đến tư tưởng, quyền lợi của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân. Có những việc kéo dài đến 5 năm sau mới thực hiện hoàn thành đề án. Việc sắp xếp không phải nhập lại một cách cơ học các địa phương, mà còn liên quan đến tổ chức bộ máy, con người, cơ sở vật chất; quản lý, điều hành sau sáp nhập…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị các cấp, ngành tích cực thực hiện công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị các cấp, ngành tích cực thực hiện công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Sau sắp xếp còn liên quan đến thay đổi giấy tờ, vị trí để người dân, cộng đồng doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính; bố trí nơi làm việc, sắp xếp cán bộ dôi dư…

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, địa phương tiếp tục tích cực thực hiện công tác tuyên truyền bằng nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, phát huy tinh thần nêu gương trong tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu, thống nhất, ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng yêu cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trình Hội đồng nhân tỉnh, với tinh thần minh bạch, công khai, rõ ràng đúng quy định Trung ương, đồng thời phù hợp điều kiện nguồn lực của tỉnh.

THÀNH CHÂU - ĐINH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sap-xep-hon-1000-can-bo-cong-chuc-cac-cap-doi-du-sau-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-o-nghe-an-post818608.html
Zalo