Lý do giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn

Sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi thành phố Thanh Hóa.

Ngày 31/7, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, HĐND tỉnh đã quyết nghị tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Đồng thời thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của đơn vị hành chính mới này.

Huyện Đông Sơn sẽ chuyển toàn bộ 82,87 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 101.000 người vào thành phố Thanh Hóa.

Huyện Đông Sơn sẽ chuyển toàn bộ 82,87 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 101.000 người vào thành phố Thanh Hóa.

Cụ thể, sẽ nhập toàn bộ 82,87km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 101.000 người của huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.

Sau khi sáp nhập, vẫn giữ nguyên tên gọi là thành phố Thanh Hóa; đơn vị hành chính mới này sẽ có hơn 228 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 615.000 người.

Về lý do lấy tên gọi này, bởi danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa, năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa.

Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa có hơn 228km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 615.000 người.

Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa có hơn 228km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 615.000 người.

Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.

Ngoài ra, tên gọi TP Thanh Hóa gắn với danh xưng Thanh Hóa, là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, địa bàn trọng yếu, "phên dậu" của đất nước; vùng đất "địa linh, nhân kiệt", nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như: Triều Tiền Lê, Triều Hồ, Triều Lê sơ, Lê Trung Hưng và Triều Nguyễn.

Bên cạnh đó, sau khi "cân - đo - đong - đếm", thành phố Thanh Hóa có quy mô dân số trên 500.000 người, hàng nghìn doanh nghiệp đóng trên địa bàn; giữ tên gọi thành phố Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý nhà nước, do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tên gọi thành phố Thanh Hóa cũng phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của trung ương và của tỉnh, như: Nghị quyết số 58- NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị Thanh Hóa, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (đều sử dụng tên TP. Thanh Hóa và đô thị Thanh Hóa).

Mặt khác, tên gọi TP Thanh Hóa cũng đảm bảo quy định của pháp luật và thông lệ hiện nay khi nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị thì giữ nguyên tên gọi của đơn vị hành chính đô thị.

Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, qua khảo sát, toàn quốc hiện có 29 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh (chiếm 68,96%) trùng tên với tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên trong giai đoạn gần đây.

Thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập giáp các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nông Cống và thành phố Sầm Sơn.

Ngoài ra, sau sáp nhập sẽ thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa gồm: phường Rừng Thông, phường Đông Thịnh, phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại.

Bên cạnh đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Thanh Hóa gồm: nhập toàn bộ 0,87 Km2 diện tích tự nhiên và hơn 16.000 người của phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn. Sau khi nhập tên gọi của phường là phường Phú Sơn.

Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố là thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn, 2 thị xã là thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn và 22 huyện.

Riêng thành phố Thanh Hóa có 33 phường và 14 xã.

Ngoài nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, trong thời gian tới, tại Thanh Hóa cũng sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn; các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Triệu Sơn và Thạch Thành.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-giu-nguyen-ten-thanh-pho-thanh-hoa-sau-khi-sap-nhap-huyen-dong-son-192240731211700385.htm
Zalo