Sắp xếp đơn vị hành chính: Hà Nam giảm 66,3% cấp xã; Thái Nguyên lấy ý kiến nhân dân
Dự kiến, tỉnh Hà Nam sẽ sắp xếp 98 xã, phường hiện tại thành 33 đơn vị hành chính. Thái Nguyên tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên.
Chiều 16/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức hội nghị cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung về công tác xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội theo thẩm quyền.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Nam.
Hiện tại, tỉnh Hà Nam có 98 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 65 xã, 29 phường, 4 thị trấn. Dự kiến sau sắp xếp tỉnh Hà Nam còn 33 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường, 17 xã), giảm 66,3%.
Sau khi bàn thảo, cơ bản các ý kiến đều nhất trí với dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể:
Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Chuyên Ngoại, xã Trác Văn, phường Hòa Mạc và xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) để thành lập phường Duy Tiên 1.
Thành lập phường Duy Tiên 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Châu Giang, xã Mộc Hoàn và một phần phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên).

Một góc tỉnh Hà Nam
Thành lập phường Duy Tiên 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Bạch Thượng; phường Yên Bắc và phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên).
Thành lập phường Duy Tiên 4 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Duy Minh, phường Duy Hải và một phần phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên).
Thành lập phường Hà Nam 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tiên Sơn, một phần phường Tiên Nội và một phần xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên).
Thành lập phường Kim Bảng 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Đại Cương, phường Lê Hồ và phường Đồng Hóa (thị xã Kim Bảng).
Thành lập phường Kim Bảng 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tượng Lĩnh, phường Tân Sơn và xã Nguyễn Úy (thị xã Kim Bảng).
Thành lập phường Kim Bảng 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thi Sơn, xã Liên Sơn và xã Thanh Sơn (thị xã Kim Bảng).
Thành lập phường Kim Bảng 4 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Tựu và xã Hoàng Tây (thị xã Kim Bảng).
Thành lập phường Kim Bảng 5 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Khả Phong; phường Ba Sao và xã Thụy Lôi (thị xã Kim Bảng).
Thành lập phường Kim Bảng 6 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Quế, xã Văn Xá và phường Ngọc Sơn (thị xã Kim Bảng).
Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý), một phần phường Quang Trung, phường Tân Hiệp, một phần phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên); một phần phường Tiên Nội; một phần xã Tiên Ngoại thành phường Hà Nam 1.
Thành lập phường Phủ Lý 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Kim Bình, xã Phù Vân và phường Lê Hồng Phong (TP. Phủ Lý).
Thành lập phường Phủ Lý 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Châu Sơn, phường Thanh Tuyền (TP. Phủ Lý) và thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm).
Thành lập phường Hà Nam 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Châu Cầu, phường Thanh Châu, phường Liêm Chính và một phần phường Quang Trung (TP. Phủ Lý).
Thành lập phường Phủ Lý 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đinh Xá; xã Trịnh Xá; phường Tân Liêm (TP. Phủ Lý).
Thành lập xã Bình Lục 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Nghĩa, xã Tràng An và xã Đồng Du (huyện Bình Lục).
Thành lập xã Bình Lục 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Bình Mỹ, xã Đồn Xá và xã La Sơn (huyện Bình Lục).
Thành lập xã Bình Lục 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Trung Lương; xã Bình An và xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục).
Thành lập xã Bình Lục 4 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bồ Đề, xã Vũ Bản và xã An Ninh (huyện Bình Lục).
Thành lập xã Bình Lục 5 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tiêu Động, xã An Lão và xã An Đổ (huyện Bình Lục).
Thành lập xã Thanh Liêm 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Liêm Phong, xã Liêm Cần và xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm).
Thành lập xã Thanh Liêm 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Thủy, xã Thanh Phong và thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm).
Thành lập xã Thanh Liêm 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Liêm Thuận, xã Liêm Túc và xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm).
25. Thành lập xã Thanh Liêm 4 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Nghị, xã Thanh Hải và xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm).
Thành lập xã Thanh Liêm 5 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Tâm, xã Thanh Hương và xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm).
Thành lập xã Lý Nhân 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hợp Lý, xã Văn Lý và xã Chính Lý (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Công Lý, xã Nguyên Lý và xã Đức Lý (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Chân Lý, xã Đạo Lý và xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 4 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nhân Chính, thị trấn Vĩnh Trụ và xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 5 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Trần Hưng Đạo, xã Nhân Nghĩa và xã Nhân Bình (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 6 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Xuân Khê, xã Nhân Mỹ và xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân).
Thành lập xã Lý Nhân 7 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phú Phúc, xã Tiến Thắng và xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân).
Thái Nguyên lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng vừa ký ban hành Văn bản số 2597, về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan chỉ đạo hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình, bao gồm cả thường trú và tạm trú. Thời gian lấy ý kiến trong hai ngày 18 và 19/4. Người dân ghi trực tiếp vào phiếu thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tỉnh Thái Nguyên hiện có 172 ĐVHC cấp xã (121 xã, 41 phường và 10 thị trấn). Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã còn 55 (gồm 13 phường và 42 xã), giảm 117 đơn vị, tỷ lệ giảm đạt 68,02%.
Cụ thể, thành phố Thái Nguyên: từ 32 phường, xã xuống còn 8 đơn vị; thành phố Phổ Yên từ 18 xã, phường còn 5; thành phố Sông Công từ 10 xã, phường còn 3; huyện Đại Từ từ 27 xã, thị trấn còn 9; huyện Phú Bình từ 20 xã, thị trấn còn 5; huyện Đồng Hỷ từ 14 xã, thị trấn còn 6; huyện Phú Lương từ 14 xã, thị trấn còn 4; huyện Định Hóa từ 22 xã, thị trấn còn 8; huyện Võ Nhai từ 15 xã, thị trấn còn 7.

Sau khi lấy ý kiến nhân dân, HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ họp, biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên.
Về hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách của 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 172 đơn vị hành chính cấp xã là 22.708 người. Trong đó, cán bộ, công chức cấp huyện: 1.077 người (gồm 227 cán bộ, 850 công chức); cán bộ, công chức cấp xã: 3.357 người (gồm 1.795 cán bộ, 1.562 công chức); viên chức: 18.274 người (gồm viên chức ngành giáo dục cấp huyện 17.075 người; viên chức ngành y tế tại trạm y tế cấp xã 1.199 người); số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 1.670 người.
Với việc tổ chức chính quyền 2 cấp, số cán bộ, công chức tại 55 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp bình quân 64 người/ĐVHC (trong đó khối Đảng, đoàn thể 32 người, khối chính quyền 32 người), tương ứng với tổng số cán bộ, công chức 3.520 người; số cán bộ, công chức dôi dư là 914 người.
Đối với viên chức cấp huyện, tỉnh Thái Nguyên thực hiện bố trí, sắp xếp theo hướng dẫn của Trung ương hoặc giữ nguyên theo hiện trạng, chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý.
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tỉnh chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với 1.383 người; giải quyết chế độ, chính sách đối với 2 người; thực hiện sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại xóm, tổ dân phố đối với 285 người.
Bên cạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhân sự, tỉnh Thái Nguyên cũng lên phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công. Theo đó, qua rà soát, tổng số trụ sở của 9 ĐVHC cấp huyện và 172 ĐVHC cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp là 1.398 trụ sở. Số trụ sở sẽ tiếp tục sử dụng là 1.146. Số trụ sở không tiếp tục sử dụng là 104. Còn 148 trụ sở có phương án khác.
Với các trụ sở dôi dư, tỉnh sẽ xây dựng phương án tiếp tục bố trí, sử dụng, điều chuyển cho cơ quan khác, ưu tiên cho giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, trung tâm hành chính công hay không gian công cộng phục vụ cộng đồng.