Đất nền 'ăn theo' dự án sẽ đi về đâu?
Cứ mỗi khi có dự án được triển khai là giá đất nền xung quanh lại 'dậy sóng' khiến giá bất động sản tăng cao nhiều khi tới mức phi lý. Cơn sốt đất nền 'ăn theo' dự án như con dao 2 lưỡi, vừa đem nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu nhà đầu tư không có sự tính toán kỹ lưỡng.
Đất nền “dậy sóng” vì “ăn theo” dự án
Vùng quê xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang mấy năm nay trở thành điểm nóng về cơn sốt” đất nền tại tỉnh Hưng Yên. Chỉ trong vòng 3 năm qua, đất nền ở đây tăng lên gấp 3 lần. Sau “cơn sốt” đất, người dân ở đây giờ không dám bán vì sợ không không còn đất để ở. Anh Tô Xuân Hoàng, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có 80m2 đất tái định cư, mặc dù có thời điểm đất “sốt” lên đến 100 triệu đồng/m2 nhưng anh không dám cuốn vào vòng xoáy bán đất vì sợ không thể mua lại được.
Lý do có “cơn sốt” đất tại làng quê yên bình này mấy năm nay là bởi có dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3 được quy hoạch trên một phần diện tích đất nông nghiệp của xã. Trước khi dự án này triển khai, giá đất chỉ khoảng 30 triệu đồng/1m2 nhưng sau khi quy hoạch, giá đất đã tăng lên 100 triệu đồng/m2. Ông Đặng Quốc Công, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết, khi dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3 về đây giá đất bị nhóm người đầu cơ thổi giá, đỉnh điểm lên đến 100 triệu đồng/m2.

Đất nền tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên "dậy sóng" mấy năm nay
Gần 1 năm nay, “cơn sốt” đất nền lại kéo đến huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Giá đất hiện đã tăng lên đến 200 triệu đồng/m2. Anh Ngô Hải Anh người dân xã Xuân Canh, huyện Đông Anh cho biết, trước khi có dự án Vinhomes Cổ Loa được triển khai giá đất chỉ có 60 – 70tr/m2 nhưng bây giờ lên đến 200 triệu/m2.
Chị Nguyễn Thị Mai làm nghề môi giới đất tại huyện Đông Anh cho biết, chị làm môi giới từ 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ cơn sốt đất tại Đông Anh như thời gian này, có người đến xem lần thứ 2 là chốt, thậm chí có người đi xem lần đầu cũng xuống tiền luôn.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguyên nhân “cơn sốt” đất nền xung quanh các dự án là do tâm lý đón đầu để hy vọng giá sẽ tăng gấp 2, gấp 3. Đặc biệt, có những nhóm người đầu cơ lợi dụng có dự án để đẩy giá, thổi giá. Nhóm đầu cơ này cũng thường “tung tin” là sẽ có quy hoạch mặc dù chưa đến kì quy hoạch để tạo “cơn sốt” đất nền khu vực đó.
Đất nền “ăn theo” dự án, lên đỉnh hay xì hơi?
Chu kỳ của thị trường bất động sản mỗi khi có thông tin về quy hoạch thì giá đất tại các khu vực xung quanh thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nhà đầu tư nên sẵn sàng "xuống tiền" ngay với niềm tin sự thay đổi khu vực có dự án sẽ đẩy giá trị bất động sản tăng lên. Tuy nhiên, khi cơn sốt qua đi, những khu vực không có đầu tư bài bản về hạ tầng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng giá đất giảm mạnh.

"Cơn sốt" đất nền gần dự án tại huyện Đông Anh, Hà Nội
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc mua đất nền chạy theo dự án có người đầu tư sẽ may mắn thắng lớn, nhưng cũng không ít người gặp rủi ro. Bởi đất nền “ăn theo” dự án nếu không được đầu tư đúng với giá trị thì cũng không có tiềm năng. Nếu giá trị đất nền tăng theo giá trị đầu tư thì sẽ phù hợp với nguyên lý thị trường, còn khi bị “thổi giá” có nghĩa là thị trường bong bóng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội khuyến cáo, các nhà đầu tư nên có những tham chiếu, tham khảo những dự án có pháp lý tốt, vị trí tốt. Nếu đánh giá nhầm, mua chỗ điều kiện hạ tầng xã hội chưa phát triển thì sẽ rủi ro. Quy hoạch vậy nhưng phục thuộc vào năng lực từng giai đoạn nên cũng có rủi ro. Nếu bất động sản tăng giá 1 cách vô lý thì cũng có lúc xì hơi rất nguy hiểm.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư đất nền theo dự án, hạ tầng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát hệ quả là thị trường bất động sản bị méo mó, thiệt hại chính là người dân vì khi người dân không thể đủ sức để mua, các giao dịch chủ yếu là do các nhà đầu cơ và đến thời điểm đòn bẩy tài chính không đủ lực sẽ dẫn tới tình trạng “đóng băng thị trường”.