Sáp nhập viện nghiên cứu thuộc Bộ vào trường, ĐH Công thương TPHCM kỳ vọng gì?

Việc sáp nhập sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác giảng dạy, nghiên cứu của nhà trường, vì viện sẽ hoạt động độc lập với tư cách pháp nhân riêng.

Thực hiện tinh gọn bộ máy tại các đơn vị trực thuộc theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Công Thương cho biết đã có phương án sáp nhập viện nghiên cứu vào trường đại học. Theo phương án đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công Thương thời gian tới, 2 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ này sẽ được sáp nhập vào 2 trường đại học. Trong đó, sáp nhập Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu vào Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. [1]

Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị tích cực, đồng thời, cũng đặt ra không ít những khó khăn cho các đơn vị liên quan, đặc biệt trong công tác nhân sự.

Để hiểu rõ hơn về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học này sau khi sáp nhập viện nghiên cứu trực thuộc Bộ vào trường, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau sáp nhập, viện nghiên cứu sẽ hoạt động độc lập với tư cách pháp nhân riêng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, sau khi sáp nhập Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu vào Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của viện nghiên cứu sẽ được chuyển giao một cách trọn vẹn vào nhà trường.

“Điều này không chỉ bao gồm toàn bộ nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp viện đang có, mà còn đảm bảo rằng mọi hoạt động, dự án và kế hoạch nghiên cứu của viện sẽ được tiếp tục một cách liền mạch trong khuôn khổ của nhà trường.

Do vậy, việc sáp nhập này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, nghiên cứu của nhà trường, vì viện sẽ hoạt động độc lập với tư cách pháp nhân riêng”, thầy Hoàn cho biết.

“Việc sáp nhập Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu vào Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ hợp thức hóa về mặt hành chính, tinh giản bộ máy, mà còn là cơ sở để đưa nghiên cứu gần với ứng dụng, giảng dạy và ngược lại.

Lợi thế của viện nghiên cứu này là các công trình nghiên cứu, cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu đạt chuẩn trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ sinh học. Nhà trường không chỉ tận dụng được tiềm năng nghiên cứu của viện, mà còn giúp thúc đẩy quá trình đào tạo tại nhà trường có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tạo điều kiện cho sinh viên phát triển ý tưởng, sáng kiến vào nghiên cứu, đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tế nhằm phục vụ đời sống, xã hội.

Tuy nhiên, các cơ sở vật chất của viện phục vụ cho nghiên cứu bao gồm: quỹ đất đang sử dụng, cơ sở hạ tầng và các tài sản công khác của viện khi sáp nhập, cần nhiều thời gian để bố trí lại phù hợp, sao cho hài hòa giữa việc đưa nghiên cứu vào giảng dạy, nhưng vẫn đảm bảo chức năng, nhiệm vụ nguyên bản của viện trước đây” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn thông tin.

Bên cạnh đó, cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy nhiệm vụ nghiên cứu trước đó của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, với trọng tâm là “Nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các vật tư nông nghiệp khác”. Đây là lĩnh vực truyền thống và đã khẳng định được uy tín, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Đồng thời, nhà trường sẽ chú trọng duy trì và phát triển thế mạnh nghiên cứu về nông nghiệp nói chung và cây có dầu nói riêng - một lĩnh vực mà viện đã có những thành tựu nổi bật. Ngoài ra, để bù đắp những lĩnh vực còn yếu của viện, nhà trường sẽ tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu viên có trình độ cao; đồng thời, đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng nghiên cứu.

Nhân sự sau sáp nhập sẽ được hỗ trợ tối đa để hòa nhập với môi trường mới

Về công tác nhân sự, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi sáp nhập, nhà trường sẽ kế thừa tất cả các quyền và nghĩa vụ của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu theo các hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động còn hiệu lực được ký giữa viện và người lao động. Cụ thể:

Thực hiện điều chuyển, bố trí nhân sự ở các phòng chức năng, bộ môn, Trung tâm Phân tích và Kiểm định IOOP; Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Môi trường của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu sang công tác tại các khoa, phòng, ban, đơn vị của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, sao cho phù hợp với chuyên môn.

Viên chức có trình độ thạc sĩ trở lên ở các đơn vị nghiên cứu của viện đáp ứng điều kiện giảng dạy đại học được chuyển đổi sang ngạch giảng viên và tương đương. Nhóm đối tượng này sẽ được ưu tiên bố trí thời gian nghiên cứu khoa học và tham gia tập sự giảng dạy hoặc trợ giảng; được nhà trường tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

Trong thời gian tập sự, giảng viên chỉ cần thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời, giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ giúp các giảng viên tập sự có thêm thời gian tham gia dự giờ, trợ giảng và thực tập. Thời gian tập sự giảng dạy hoặc trợ giảng là tối đa 2 năm.

Bên cạnh đó, nhân sự khối văn phòng của viện sau sáp nhập sẽ được các cán bộ của viện kiêm nhiệm để không làm tăng biên chế.

Trong quá trình thực hiện sáp nhập, cá nhân nào tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, sẽ được giải quyết các chế độ, chính sách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Kinh phí tinh giản biên chế được Bộ Công Thương hỗ trợ theo chế độ hiện hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cũng thông tin thêm: “Quá trình chuyển giao sẽ được thực hiện dựa trên các quy định pháp luật hiện hành và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả. Tất cả các đơn vị, phòng ban và cá nhân thuộc viện sẽ được sắp xếp lại theo cơ cấu tổ chức của nhà trường, phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của nhà trường, cũng như mục tiêu nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao.

Các nhân sự mới sẽ được bố trí công việc dựa trên chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực cá nhân của từng người. Quy trình phân công công việc đang được xây dựng, đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều được giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng và chuyên môn đã được đào tạo, từ đó, tối đa hóa hiệu quả làm việc và tiềm năng của đội ngũ nhân sự.

Đối với những cá nhân chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn theo yêu cầu của vị trí mới, nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn. Các khóa học, hội thảo chuyên sâu, các chương trình đào tạo nội bộ sẽ được tổ chức, giúp các cán bộ, công nhân viên không chỉ cải thiện năng lực chuyên môn, mà còn cập nhật những kiến thức và kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Trong thời gian tối đa 2 năm sau sáp nhập, nhà trường sẽ theo dõi quá trình thích ứng của từng cá nhân với vị trí công tác mới. Những cá nhân chưa thể thích ứng kịp thời với yêu cầu của vị trí công việc, sẽ được tiến hành điều chuyển sang vị trí phù hợp hơn (tối đa 1 lần theo quy định) hoặc sẽ phải trải qua quá trình tinh giản biên chế theo các tiêu chuẩn và quy định đã được ban hành. Quy trình này nhằm đảm bảo rằng, đội ngũ nhân sự luôn đạt hiệu quả làm việc cao nhất và phù hợp với chiến lược phát triển của tổ chức, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh”.

 Mọi hoạt động, dự án và kế hoạch nghiên cứu của viện sẽ được tiếp tục một cách liền mạch nhằm phát huy truyền thống nghiên cứu khoa học của nhà trường. Song, vẫn cần có khoảng thời gian thích hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách suôn sẻ và có hệ thống. Ảnh: NTCC.

Mọi hoạt động, dự án và kế hoạch nghiên cứu của viện sẽ được tiếp tục một cách liền mạch nhằm phát huy truyền thống nghiên cứu khoa học của nhà trường. Song, vẫn cần có khoảng thời gian thích hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách suôn sẻ và có hệ thống. Ảnh: NTCC.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, để quá trình sáp nhập đạt hiệu quả tối ưu, cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của cả 2 đơn vị liên quan.

Nhiệm vụ chuyển giao này không chỉ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều chỉnh cơ cấu, bàn giao tài sản cũng như trách nhiệm, mà còn cần có khoảng thời gian thích hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách suôn sẻ và có hệ thống.

Một trong những thách thức lớn nhất là tạo điều kiện cho nhân sự làm quen với môi trường làm việc mới, cũng như đảm bảo rằng sau sáp nhập, tiềm năng và nguồn lực của cả hai bên được phát huy tối đa.

Về bộ máy, việc bố trí đúng người, đúng chuyên môn và đúng vị trí luôn là ưu tiên hàng đầu. Quy trình này cần được thực hiện đồng bộ, đảm bảo số lượng nhân sự phù hợp và kết hợp chặt chẽ với việc đơn giản hóa các quy trình, thể thức vận hành. Đặc biệt, quá trình tinh gọn cần có một lộ trình thời gian rõ ràng, để nhân sự có thể thích nghi dần với vai trò công việc mới, từ đó, giúp tổ chức duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phuong-an-sap-xep-to-chuc-bo-may-bo-cong-thuong-119241212151639065.htm

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sap-nhap-vien-nghien-cuu-thuoc-bo-vao-truong-dh-cong-thuong-tphcm-ky-vong-gi-post249121.gd
Zalo