Sáp nhập về thành phố, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê mong chờ có nước sạch

14 năm ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê, người dân các xã bãi ngang Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc đang mong mỏi sớm có nguồn nước sạch khi sáp nhập địa giới hành chính vào Tp.Hà Tĩnh.

Khát khao giọt nước sạch

Những ngày qua, người dân tại xã Thạch Hải (Tp.Hà Tĩnh) vô cùng phấn khởi khi cùng 11 xã khác thuộc huyện Thạch Hà đã được sáp nhập địa giới hành chính vào Tp.Hà Tĩnh. Sau suốt 14 năm sống chung với nguồn nước nhiễm phèn nặng do ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê, trở thành công dân thành phố, người dân nơi đây đang hi vọng sớm có nguồn nước sạch để sử dụng.

Vừa giặt quần áo, chị Nguyễn Thị Mỹ (SN 1989, trú thôn Liên Hải, xã Thạch Hải) vừa chia sẻ, điều gia đình chị mong mỏi nhất hơn 1 tháng trở lại nay, sau khi trở thành công dân của Tp.Hà Tĩnh đó là được đấu nối đường ống nước sạch.

Gia đình chị Mỹ phải hứng, trữ nước mưa vào thùng để sử dụng ăn uống.

Gia đình chị Mỹ phải hứng, trữ nước mưa vào thùng để sử dụng ăn uống.

Chỉ cách moong mỏ chừng 500m, 160 hộ dân với 600 nhân khẩu thôn Liên Hải nói riêng đã và vẫn đang phải chịu những hệ lụy nặng nề của dự án mỏ sắt Thạch Khê, trong đó, hệ lụy nặng nề nhất là tụt mạch nước ngầm, nước nhiễm phèn nặng. Những hộ dân ở đây phải khoan sâu trung bình trên 10m để "tìm nước". Họ chỉ có thể dùng nước khoan để sinh hoạt còn ăn uống thì nhờ cả vào "ông trời".

"Nước ăn thì chúng tôi phải hứng nước mưa trữ lại. Lúc trời ít mưa thì chúng tôi lại phải đi mua nước khoáng về dùng. Chúng tôi vô cùng mong mỏi cấp ủy chính quyền quan tâm đấu nối đường ống nước sạch cho người dân sử dụng. Đó là khao khát lớn nhất của bà con nhân dân nơi đây", chị Mỹ nói.

Bể trữ nước của gia đình anh Thái và những nỗi lòng khao khát sớm có giọt nước sạch về thôn.

Bể trữ nước của gia đình anh Thái và những nỗi lòng khao khát sớm có giọt nước sạch về thôn.

Cách nhà chị Mỹ không xa là nhà anh Trần Đình Thái (SN 1983). Để có nước sử dụng, anh Thái phải khoan giếng sâu hơn 9m nhưng nước cũng bị nhiễm phèn nặng. Hằng ngày, anh Thái bơm nước lên bể chứa để tự lắng rồi sử dụng.

Nhìn vào chiếc bể chứa bằng xi măng dùng để trữ nước của gia đình anh Thái, bên trong bám đầy loăng quăng và váng đục, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi khao khát của bà con nơi đây về nguồn nước sạch sẽ được đấu nối trong nay mai.

Sống đến cái tuổi gần đất xa trời, ông Trần Đình Trương (SN 1952, trú thôn Liên Hải) nói rằng, ông rất tự hào được làm công dân Tp.Hà Tĩnh. Vợ chồng ông đã già yếu cũng không còn sống được bao lâu nhưng mong mỏi có nước về sạch lắm để đời con, đời cháu mình được dùng.

Dự án "treo" suốt 14 năm đã khiến cuộc sống người dân vùng ảnh hưởng "dậm chân tại chỗ", để lại hệ lụy về sức khỏe, kinh tế kéo dài.

Dự án "treo" suốt 14 năm đã khiến cuộc sống người dân vùng ảnh hưởng "dậm chân tại chỗ", để lại hệ lụy về sức khỏe, kinh tế kéo dài.

Cần sớm có quy hoạch cụ thể dự án mỏ sắt Thạch Khê

Dự án mỏ sắt Thạch Khê đến nay đã "treo" 14 năm. Cũng từng ấy thời gian, người dân nơi đây đã và đang phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề. Hệ lụy nặng nề nhất đó là biến 5 xã bãi ngang xung quanh dự án trở thành vùng đất "sa mạc hóa". Mạch nước ngầm bị tụt, đất và nguồn nước bị nhiễm mặn khiến hoa màu cây cối không thể phát triển, ảnh hưởng trầm trọng đời sống, kinh tế dân sinh.

Đất và nước tại các xã vùng ảnh hưởng mỏ sắt bị nhiễm mặn nặng.

Đất và nước tại các xã vùng ảnh hưởng mỏ sắt bị nhiễm mặn nặng.

Từ những hệ lụy trông thấy, UBND Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản gửi Trung ương, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất để ổn định, có phương án phát triển đời sống nhân dân các xã ảnh hưởng.

Trụ sở của một số công ty cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng, kinh doanh đất đá, cát sỏi... trong khu vực mỏ nay đã đóng cửa, bỏ hoang.

Trụ sở của một số công ty cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng, kinh doanh đất đá, cát sỏi... trong khu vực mỏ nay đã đóng cửa, bỏ hoang.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý cụ thể dẫn đến nhiều tồn đọng, vướng mắc "dậm chân tại chỗ", ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân sinh người dân các xã vùng mỏ sắt.

Khoảng 1 tháng nay, sau khi sáp nhập vào thành phố, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề người dân kiến nghị nhiều nhất đó là chính quyền thành phố, lãnh đạo tỉnh quan tâm để xây dựng, triển khai dự án nước sạch đấu nối cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, nếu Chính phủ vẫn chưa có văn bản chính thức thì việc cấp ủy chính quyền thành phố hay tỉnh muốn triển khai dự án cấp nước hay bất cứ dự án gì cho các xã vùng ảnh hưởng cũng đều "vướng khó".

"Chính quyền xã cùng người dân địa phương vô cùng mong mỏi nguồn nước sạch", Chủ tịch UBND xã Thạch Hải bày tỏ.

Nhiều ống nhựa cỡ lớn dài hàng trăm mét nối từ trong bờ ra moong mỏ phục vụ thi công trước đây vẫn nguyên hiện trạng.

Nhiều ống nhựa cỡ lớn dài hàng trăm mét nối từ trong bờ ra moong mỏ phục vụ thi công trước đây vẫn nguyên hiện trạng.

Trao đổi với Người Đưa Tin về phương án xây dựng các dự án nước sạch cho người dân các xã vừa sáp nhập, một lãnh đạo UBND Tp.Hà Tĩnh cho biết, nước sạch được chính quyền thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm sau khi sáp nhập 14 xã lân cận vào địa giới hành chính thành phố. Hiện, có 7/14 xã sáp nhập chưa có nước sạch. Đối với 5 xã của huyện Thạch Hà (cũ) ảnh hưởng vùng dự án mỏ sắt được chính quyền thành phố hết sức quan tâm. UBND TP đã và đang cho phòng chuyên môn khảo sát, đánh giá, nghiên cứu 2 phương án, đó là nâng cấp, đấu nối hệ thống nước sạch từ Nhà máy nước Thạch Trị, lấy nước thô từ núi Nam Giới. Phương án hai là đấu nối với hệ thống đường ống chính của Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh để sớm cấp nước sạch về cho người dân.

"Chính quyền thành phố rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân. Đối với các xã không bị ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê, chính quyền thành phố sẽ tập trung tối đa nguồn lực, vật lực triển khai sớm các dự án cấp nước sạch. Chúng tôi cũng mong muốn được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền tỉnh, sớm có giải pháp liên quan đến các quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê để có thể triển khai các dự án nước sạch cũng như các dự án khác nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân vùng ảnh hưởng mỏ sắt", lãnh đạo UBND Tp.Hà Tĩnh nói.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã (cũ) ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821ha. Đây được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, nằm cách Tp.Hà Tĩnh 8km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6km.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm. Lễ khởi công dự án được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào tháng 9/2009. Nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước…

Khu vực moong mỏ trước kia công nhân bóc đất tầng phủ, nay thành một hồ nước rộng lớn, sâu hàng chục mét.

Giai đoạn 2008-2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy. Tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Bùi Thị Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sap-nhap-ve-thanh-pho-nguoi-dan-vung-mo-sat-thach-khe-mong-cho-co-nuoc-sach-204250220103528466.htm
Zalo