Từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị: Gắn kết khoa học với sản xuất
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị không chỉ đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế. Một trong những chuyển động sau khi Nghị quyết ra đời là sự thay đổi trong tư duy hợp tác, các nhà khoa học bắt đầu nhập cuộc cùng doanh nghiệp, tham gia guồng quay sản xuất và đổi mới công nghệ

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: HÀ LINH)
Một số viện nghiên cứu, trường đại học đã cử cán bộ khoa học tới doanh nghiệp, chủ động trao đổi về kế hoạch hợp tác, đặt nền tảng cho các dự án nghiên cứu chung.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Traphaco đã tiếp đón các nhà khoa học để bàn thảo về hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ dược liệu. Tập đoàn ThaiBinh Seed cũng nhận được những đề xuất hợp tác từ các nhà khoa học của trường đại học, viện nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vào số hóa dữ liệu, sàng lọc gien trong chọn tạo giống cây trồng, cũng như xây dựng quy trình giảm phát thải khí nhà kính trong nghiên cứu và sản xuất…
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) ấp ủ triển khai mô hình mới, đó là “mỗi công ty - một nhà nghiên cứu”. Các chuyên gia hàng đầu của Viện sẽ được cử tới trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, nắm bắt quy trình sản xuất, nhận diện những hạn chế về công nghệ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
Từ đó, họ sẽ báo cáo lại cho các nhóm nghiên cứu chuyên sâu để đề xuất giải pháp cải tiến, đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, đánh giá tính khả thi và hướng dẫn quản lý, làm chủ công nghệ; cùng doanh nghiệp từng bước nội địa hóa công nghệ, nâng cao khả năng tự chủ công nghệ....
Trước đây, đã có những hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, nhưng phần lớn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng, các vướng mắc về quy định hợp tác nghiên cứu, nhất là vấn đề định giá tài sản hình thành từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước, đã khiến họ gặp khó khăn trong việc nhận chuyển giao công nghệ.
Điều này làm giảm động lực hợp tác, buộc doanh nghiệp phải tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng sự biến động của thị trường. Hệ quả là tốc độ phát triển của doanh nghiệp bị chậm lại, cơ hội ứng dụng kết quả nghiên cứu bị bỏ lỡ, và thị trường khoa học, công nghệ cũng bị kìm hãm.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự ra đời liên tiếp của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội phần nào “giải tỏa cơn khát” về vốn, công nghệ và cơ chế hợp tác nghiên cứu. Dù hoan nghênh và kỳ vọng những nỗ lực từ phía viện nghiên cứu, trường đại học sẽ đem lại nguồn cung công nghệ dồi dào, song không ít doanh nghiệp vẫn băn khoăn.
Vấn đề đặt ra không chỉ là hợp tác, mà là hợp tác như thế nào để đạt hiệu quả thật sự. Thực tế, nhiều doanh nghiệp mong muốn có sự đồng hành của những nhà khoa học am hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tinh thần làm việc trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân vào những bài toán thực tiễn.
Chỉ khi nào các nhà khoa học coi doanh nghiệp là đối tác chiến lược, thay vì chỉ là nguồn tài trợ đề tài, thì khi đó, khoa học và công nghệ mới thật sự phát huy vai trò của mình để đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đòi hỏi nhà khoa học phải chuyển mình, đồng hành kiến tạo giá trị với doanh nghiệp.
Có thể nói, cả doanh nghiệp và nhà khoa học đều kỳ vọng một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong hợp tác thời gian tới. Để những bước chuyển này tạo ra đột phá, vẫn cần những cơ chế khuyến khích các bên cùng đồng hành. Một trong những cơ chế, chính sách quan trọng đã được “cởi trói” là thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học cho rằng, cần được hướng dẫn cụ thể, nhất là việc có áp dụng hay không áp dụng Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 70/2018/NĐ-CP đối với các tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học; nếu có áp dụng thì phải nêu rõ áp dụng như thế nào. Chỉ khi đó, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp mới chủ động, linh hoạt khai thác tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ.