Sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam: Hình thành vùng kinh tế trọng điểm

Việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, định hình trung tâm kinh tế mới cho khu vực Trung Trung Bộ.

Tái thiết không gian phát triển, xây dựng trung tâm kinh tế lớn

Việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh thời đại mới. Sự sáp nhập sẽ phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn.

Hạ tầng đô thị thành phố Đà Nẵng đồng bộ, hiện đại kết hợp với quỹ đất rộng ở Quảng Nam sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập. Ảnh: Vũ Lê

Hạ tầng đô thị thành phố Đà Nẵng đồng bộ, hiện đại kết hợp với quỹ đất rộng ở Quảng Nam sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập. Ảnh: Vũ Lê

Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nhằm xây dựng một vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực. Sau khi sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mở rộng sẽ có diện tích hơn 11.800 km², dân số hơn 3 triệu người, và trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung.

Bản đồ không gian phát triển sẽ được tái kiến thiết lại với nhiều lợi thế, quy mô của 2 địa phương với tiềm lực, vị thế vượt trội hơn và liên kết hợp tác sôi động hơn.

Cách mạng tinh gọn ở thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam được kỳ vọng là mũi tên trúng hai đích: Vừa nén gọn bộ máy, vừa mở bung không gian phát triển.

Thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam đã chủ động với quyết tâm cao, kiên trì, nỗ lực tham mưu và được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.

Sau sáp nhập, không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức theo nguyên lý và chiến lược, cụ thể:

Thứ nhất, hiệu ứng mạng lưới đa điểm giúp tăng cường đầu mối kết nối, tăng giá trị vùng theo cấp số nhân dựa trên những lợi thế có sẵn như: Khu công nghiệp Chu Lai của Quảng Nam và các khu công nghiệp tại Đà Nẵng có thể được quy hoạch lại để trở thành cụm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm Tài chính quốc tế tại Đà Nẵng sẽ là điểm nhấn cho sự phát triển của vùng và cả nước. Không gian phát triển của TP. Đà Nẵng đang rất chật chội, trong khi Quảng Nam lại có lợi thế về quỹ đất rộng lớn. Hai địa phương nhập lại sẽ giúp tận dụng tối đa tiềm năng, tạo sức bật mới.

Thứ hai, quy luật kinh tế quy mô lý giải quy mô đủ lớn giúp thành phố Đà Nẵng thoát khỏi phát triển dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư công. Mô hình kết nối "lõi - ven" phân vai vùng lõi và vùng ven tương hỗ. Thành phố Đà Nẵng giữ vai trò hạt nhân công nghiệp, giáo dục, y tế, tài chính, còn Quảng Nam là vùng công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, nông, lâm nghiệp…

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa cổ kính vừa hiện đại được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới trong phát triển du lịch, dịch vụ sau khi sáp nhập. Ảnh: Vũ

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa cổ kính vừa hiện đại được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới trong phát triển du lịch, dịch vụ sau khi sáp nhập. Ảnh: Vũ

Thứ ba, ba hiệu ứng "tổng hợp", "gợn sóng" và "ngưỡng" nhấn mạnh sáp nhập giúp vượt "ngưỡng tối thiểu" của cả hai vùng, tạo hiệu quả lan tỏa và thu hút nhà đầu tư, vì họ nhìn vào năng lực tích hợp không gian và tiềm năng phát triển dài hạn để rót vốn.

Tiềm năng rộng mở

Sau sáp nhập, Quảng Nam có lợi thế về di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, trong khi Đà Nẵng có bãi biển đẹp và hệ thống khách sạn cao cấp. Sau sáp nhập, ngành du lịch sẽ có định hướng kết nối toàn diện, tạo nên một chuỗi du lịch liên tỉnh, từ di sản văn hóa đến du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Sau khi sáp nhập, thành phố Đà Nẵng có thể đi theo 4 hướng dựa trên nguyên tắc hợp tác tương đồng và hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương để phát huy thế mạnh hiện có và lợi thế cạnh tranh.

Thứ nhất là liên kết theo mô hình đa trung tâm, với các đô thị vệ tinh mang chức năng khác nhau như trung tâm Đà Nẵng được bổ trợ chức năng bởi các thành phố vệ tinh như: Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn… Có thể phát triển tour truyền thống hiện có, phát triển thêm điểm đến như thăm khu kinh tế Chu Lai, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa dân tộc miền núi ở Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang…

Thứ hai là hợp tác liên tỉnh giáp ranh theo cụm ngành, chuỗi giá trị, hoặc dòng lao động hay khách du lịch. Các yếu tố kết nối có thể là tự nhiên như sông, biển, hoặc nhân tạo như cao tốc, đường sắt, cảng, sân bay. Chuỗi giá trị giúp khai thác tối đa lợi thế mỗi nơi. Với hệ thống cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng) và Kỳ Hà (Quảng Nam), thành phố mới có thể phát triển kinh tế hàng hải, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư. Hệ thống giao thông sẽ được đồng bộ với các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Thứ ba là hợp tác liên tỉnh không liền kề kiểu "liên minh” theo ngành hoặc hành lang phát triển, nếu có ngành tương đồng như AI, dược, nông nghiệp sạch; tạo chuỗi giá trị theo dây chuyền sản xuất, như ngành sản xuất ô tô có Chu Lai, Chân Mây - Lăng Cô; du lịch có Đà Nẵng, Hội An, Huế… Các hành lang phát triển theo đường sắt, cao tốc, cảng biển và chuỗi logistics cũng nhiều tiềm năng như cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây tới các cảng phía Nam.

Cuối cùng là liên kết quốc tế, tận dụng các mối "kết nghĩa" sẵn có Đà Nẵng - Yokohama. Các siêu đô thị mới sẽ đủ tầm vóc, vị thế để hợp tác chiến lược và toàn diện hơn. Phát huy các mạng lưới thành phố thông minh hay sáng tạo sẵn có.

Với những ưu thế, lợi thế hiện có, việc sáp nhập thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ là hợp nhất cơ học, mà là cú hích tái thiết toàn diện không gian phát triển của địa phương với thế và lực mới. Đây có thể là khởi đầu khi thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập được trao cơ hội và tiếp năng lượng để vươn lên với tầm nhìn xa hơn, vị thế và thành tựu lớn hơn.

TS. Phan Văn Thắng - Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-nhap-da-nang-quang-nam-hinh-thanh-vung-kinh-te-trong-diem-386284.html
Zalo