Sắp mất chức, thủ tướng Anh đến Ukraine tìm 'bình yên'
Bất ngờ xuất hiện tại Kyiv vào ngày kỷ niệm độc lập của Ukraine, Thủ tướng Boris Johnson dường như đang tìm một 'lối thoát' để tạm xa những bê bối trong nước.
Chuyến thăm Ukraine dường như đem lại một cơ hội "giải lao" cho Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau khi bị cuốn vào vòng xoáy bê bối suốt nhiều tuần ở quê nhà. Chỉ vài tuần nữa, ông Johnson sẽ rời ghế lãnh đạo.
Phát biểu trước Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Cung điện Mariyinsky, Thủ tướng Johnson đề cao sức kháng cự của Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ tới thăm Kyiv ngày 24/8. Đây đã là lần thứ 4 ông Johnson tới Ukraine trong năm 2022, và là chuyến đi thứ 3 kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine hôm 24/2, theo Washington Post.
"Người hùng" của Ukraine
Tại London, phố Downing kỷ niệm ngày độc lập của Ukraine với một vòm hoa màu xanh và vàng, tượng trưng cho quốc kỳ của Kyiv, đặt bên ngoài cánh cửa đen nổi tiếng.
Thủ tướng Johnson luôn thẳng thắn ủng hộ Ukraine. Ông không chỉ là một trong số ít lãnh đạo thuộc các nước phát triển, đích thân đến thăm Kyiv, mà chính phủ của ông cũng cung cấp nhiều vũ khí, viện trợ tài chính cho Ukraine.
Có lẽ đó là lý do khiến thủ tướng Anh tin rằng khi mọi thứ trở nên tồi tệ trên sân nhà, ông vẫn có thể tìm đến những lời ca ngợi ở Ukraine.
Một con phố ở ngoại ô Odessa đã được thay tên là “phố Boris Johnson”. Một tiệm bánh ở Kyiv cũng làm riêng một loại bánh ngọt mang tên ông.
Nhiều người dân Ukraine gọi ông là “Johnsonuk”, vì đuôi “uk” điển hình cho họ của người Ukraine. “Boris Johnsonuk” nghe giống như tên của một người hàng xóm, một người bạn hay một công dân Ukraine, theo Spectator.
Ở Anh, gương mặt của Thủ tướng Boris Johnson tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo, vì những sai lầm và bê bối.
Hình ảnh của vị thủ tướng cũng xuất hiện khắp nơi tại Ukraine, nhưng với tư cách một "người hùng". Memes (ảnh chế hài hước), hình ảnh và tranh vẽ ông Johnson thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện trên WhatsApp.
Trong khi các đối thủ ở quê nhà cáo buộc ông Johnson lãnh đạo một “chính phủ xác sống”, không giải quyết được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhà lãnh đạo Anh đã được Ukraine trao tặng “Huân chương Tự do” - danh hiệu cao quý nhất cho người nước ngoài.
Ngay cả những người chỉ trích ông Johnson cũng thừa nhận ông đang hỗ trợ tốt cho Ukraine, cho đến khi nhà lãnh đạo Anh phải tuyên bố từ chức.
Di sản quan trọng
Sau một loạt bê bối, hàng chục nhà lập pháp của đảng Bảo thủ cho biết họ mất niềm tin vào ông Johnson, buộc ông phải từ chức thủ tướng sau 3 năm đảm nhiệm.
Thủ tướng Anh sẽ rời văn phòng vào ngày 6/9, một ngày sau khi các đảng viên Bảo thủ chọn người thay thế. Ông Johnson vẫn là nghị sĩ Quốc hội đại diện cho Uxbridge và South Ruislip.
Sau ngày 6/9, chính sách với Ukraine vẫn sẽ là một di sản quan trọng của ông Johnson.
“Di sản của ông (Johnson) khi tại chức là Brexit và tiêm chủng. Nhưng Ukraine cũng đóng một vai trò quan trọng”, nhà báo Andrew Gimson, tác giả một cuốn sách về sự thăng trầm trên con đường chính trị của ông Johnson, cho biết.
Ông Gimson hy vọng Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục đóng một vai trò nào đó trong những vấn đề liên quan đến Ukraine, dù là các bài phát biểu tại Quốc hội, trên các tờ báo, mạng xã hội hay các chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, và dù có thể khiến người kế nhiệm ông phật lòng.
“Ông Johnson có thói quen tự đưa mình vào cuộc trò chuyện”, ông Gimson nói. “Ông ấy thích chứng tỏ rằng bất cứ điều gì thủ tướng (kế nhiệm) sẽ làm, ông ấy có thể làm tốt hơn”.
Chẳng hạn, dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron, ông Johnson thường xuyên “đánh cắp” sự chú ý tại các hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ.
Ông đưa ra những bài phát biểu đầy sống động, làm hài lòng những người trung thành trong đảng và dấy lên nhiều đồn đoán về tham vọng lãnh đạo của mình.
Thủ tướng Johnson và Tổng thống Zelensky dường như cũng có cảm tình riêng.
Trong một tuyên bố sau khi tin tức ông Johnson từ chức được lan truyền, ông Zelensky nói: “Tất cả chúng tôi đều buồn bã khi nghe tin này. Không chỉ tôi, mà toàn bộ Ukraine, những người luôn đồng cảm với (thủ tướng Anh)".
"Chúng tôi tin rằng sự ủng hộ của Vương quốc Anh (với Ukraine) sẽ được duy trì, nhưng khả năng lãnh đạo và thu hút quần chúng của cá nhân (ông Johnson) rất đặc biệt”, ông Zelensky nói thêm.
Khi phát biểu trước Hạ viện Anh, Tổng thống Zelensky cũng dẫn lại lời của cựu Thủ tướng Winston Churchill - người hùng trong mắt ông Johnson.
Trong khi đó, nhiều người vẫn chỉ trích Thủ tướng Johnson xúc tiến các chuyến thăm đến Ukraine và các cuộc hội đàm với ông Zelensky chỉ để đánh lạc hướng dư luận khỏi bê bối tiệc tùng. Phố Downing đã nhiều lần phủ nhận mọi liên hệ.
Song ông Gimson không đồng ý với cáo buộc này. “Với ông Johnson, Ukraine là cơ hội để nói về một vấn đề rất quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng, không liên quan đến việc liệu ai đó đã uống một chai Prosecco sau một ngày dài ở phố Downing hay chưa”, ông nói.
“Giống như nhiều nhà lãnh đạo khác, Thủ tướng Johnson cố gắng đối phó với những cuộc trò chuyện khó khăn bằng cách đổi chủ đề”, ông Gimson nói thêm.