Sắp kiểm tra, giám sát 17 trạm thu phí BOT
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát 17 trạm thu phí BOT. Các trạm sẽ được kiểm tra về công tác quản lý vận hành, thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc thu phí…
Theo nội dung được nêu trong Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2025 đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, Cục Đường bộ sẽ kiểm tra 17 trạm thu phí trên toàn quốc. Việc kiểm tra sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay.
Cụ thể, các trạm được kiểm tra, giám sát tại khu vực phía Bắc gồm: BOT Thái Nguyên - Chợ Mới trên Quốc lộ 3; trạm trên Quốc lộ 38; trạm cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang) tại Phú Thọ; trạm cầu Thái Hà tại tỉnh Thái Bình; trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tại Hà Nội.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên gồm: trạm Tasco Quảng Bình trên Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Bình; trạm Bến Thủy và Bến Thủy 2 tại Nghệ An; trạm trên Quốc lộ 1 tỉnh Bình Định; trạm trên Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Nam; trạm Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Ngãi; trạm Quốc lộ 1 tỉnh Khánh Hòa; trạm trên đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai; trạm Liên Đầm trên Quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng.
Khu vực phía Nam có các trạm trên Quốc lộ 1 tỉnh Sóc Trăng; trạm Cà Ná trên Quốc lộ 1 tỉnh Ninh Thuận; trạm cầu Cổ Chiên trên Quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh; trạm cầu Mỹ Lợi trên Quốc lộ 50, tỉnh Tiền Giang.
Theo kế hoạch, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các khu quản lý đường bộ căn cứ kế hoạch ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xây dựng đề cương kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch; báo cáo lịch kiểm tra, giám sát về Cục Đường bộ Việt Nam 10 ngày trước khi thực hiện kiểm tra, giám sát.
Trong thời gian 7 ngày kể từ khi kết thúc kiểm tra, giám sát tại đơn vị yêu cầu các khu quản lý đường bộ ban hành thông báo kết quả kiểm tra, giám sát gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Chính phủ vừa có tờ trình số 50/TTr–CP gửi Quốc hội về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024–2026 cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng số vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư dự án số tiền 36.689 tỷ đồng. Trong đó, 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước, 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình, để chuyển thành cấp vốn điều lệ cho VEC.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024-2026 là 38.251 tỷ đồng, bao gồm 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.