Hà Nội phát triển hạ tầng số cho đô thị thông minh
Để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, với đề án giao thông thông minh vừa được thông qua.
Chỉ cần một ứng dụng di động, những người đi phương tiện công cộng như chị Đào Phương Thảo giờ đây có thể dễ dàng theo dõi lịch trình của các tuyến xe. Những chiếc vé giấy giờ được thay thế bằng vé điện tử.
Chị Đào Phương Thảo, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thấy mọi việc trở nên rất văn minh và minh bạch ở trên xe buýt".
Các biển báo giao thông thông minh cũng có cách hiển thị trên nền tảng số. Việc cập nhật các cảnh báo theo giời gian thực giúp người tham gia giao thông chủ động lộ trình di chuyển. Anh Đỗ Văn Đức, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, cho hay: “Các biển báo giao thông thông minh giúp mình chủ động hơn về hướng đi. Nếu mình thấy khu vực Ngã Tư Sở bị ùn tắc thì mình có thể rẽ sang một đường khác để đi, tránh được việc phải dồn lên trên này chờ đợi rất lâu".
Hà Nội vừa thông qua đề án giao thông thông minh. Đề án hướng đến giải quyết các hạn chế hiện nay, xây dựng hệ thống giao thông thông minh và hiện đại trên địa toàn địa bàn. Nhiều tiện ích như quản lý các điểm đỗ xe tự động, vé điện tử giao thông công cộng, hệ thống camera giám sát đang được tích hợp vào trung tâm quản lý và điều hành giao thông.
Ông Phạm Thành Lâm - Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ rất mới tức là lưu lại cả video các phương tiện vi phạm. Khi phát hiện vi phạm thì đồng thời chụp ảnh nhận dạng biển số, sau đó hệ thống tự động quay lại thời gian trước thời điểm diễn ra vi phạm để làm bằng chứng. Chúng tôi sẽ chuyển sang lực lượng cảnh sát giao thông của Công an thành phố Hà Nội để xử lý theo quy định".
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thí điểm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong điều chỉnh đèn giao thông. Thí điểm đang cho thấy hiệu quả tốt. Nhiều điểm nghẽn về giao thông, đặc biệt là vấn đề ùn tắc được kỳ vọng sẽ giảm thiểu khi ứng dụng công nghệ thông minh vào giao thông.
Lấy người dân làm trung tâm, xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và phát triển các khu công nghiệp thông minh là mục tiêu đặt ra với các đô thị thông minh tại Việt Nam. Hạ tầng 5G, cáp quang, trung tâm điều hành thông minh dần phổ cập là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các thành phố thông minh tại Việt Nam.