Sắp diễn ra hội nghị 'Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp'
Hội nghị 'Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp' sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024.
Nâng cao trách nhiệm giảm chất thải nhựa
Hội nghị “Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào 8h30 thứ Tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024 tại Hội trường Nhà Khách - Đại học Quốc gia Hà Nội (khu vực Hòa Lạc).
Sự kiện do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Môi trường và Khu Đô thị Đại học – ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc tổ chức.
Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nâng cao trách nhiệm quản lý, sản xuất, tiêu dùng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại học Quốc gia Hà Nội; Các Sở ban ngành Thành phố Hà Nội; các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất bao bì, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và các doanh nghiệp có liên quan khu vực phía Bắc; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại diện, chuyên gia trình bày nội dung và thảo luận xoay quanh: Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp; Những quy định mới về bao bì nhựa; Những quy định bắt buộc về trách nhiệm thu hồi, tái chế bao bì, sản phẩm khi thải ra môi trường của doanh nghiệp; Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp: Từ thực tiễn đến đề xuất vận động chính sách.
Thiết kế sinh thái hướng đến nền kinh tế tuần hoàn: Tiêu chí thiết kế sinh thái và áp dụng thiết kế sinh thái cho bao bì; Doanh nghiệp phải thực hiện hay nên thực hiện?
Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong đó, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cũng khẳng định: Phần lớn bao bì nhựa bị thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa – vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.
Vì vậy, cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã ban hành những chính sách và hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Cụ thể, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Theo đó, từ ngày 01/01/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, Đề án có mục tiêu: đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy; Tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; Phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Đề án nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Cùng với hệ thống chính sách mang tính định hướng đó, Chính phủ và các Bộ ngành đã đưa ra các biện pháp tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tiêu dùng và loại bỏ sản phẩm nhựa; Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, xanh hóa bao bì đang trở thành xu hướng để tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường khi 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Việc sử dụng bao bì xanh, bao bì tái chế cũng chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, hạn chế tối đa tác động của các chất hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng. Qua đó giúp chúng ta giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhờ đó giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất bao bì.
Hội nghị “Những chính sách mới về bao bì nhựa dành cho doanh nghiệp” là dịp để doanh nghiệp được chia sẻ, định hướng, giải đáp hướng đến việc quản lý sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường một cách hiệu quả hơn.
Đăng ký tham dự tại: https://forms.gle/MABnfoXP9MaCzksg8