'Sao thầy không dạy môn khác, lại đi dạy Giáo dục công dân?'

Đó là câu hỏi của một học sinh lớp tôi chủ nhiệm, từ nhiều năm trước. Nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa trả lời em…

lời tòa soạn

Nhiều năm qua, quan niệm môn chính – môn phụ đã "ăn sâu" vào tâm thức của nhiều người. Tư tưởng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các môn học dẫn đến hiện tượng học lệch, học tủ. Tại diễn dàn Nỗi buồn môn phụ, VietNamNet xin giới thiệu những chia sẻ đầy nỗi niềm của một thầy giáo có hàng chục năm gắn bó với một môn học được xem là môn phụ.

Thật buồn cho thầy cô dạy những môn được mặc định là môn học phụ: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Thể dục…

Nhiều phụ huynh cũng có chung quan điểm những môn phụ này không cần phải học nhiều vì có thi tuyển sinh vào lớp 10 đâu?

Nói về môn Giáo dục công dân, tất nhiên nhiều người đều có chung suy nghĩ đó không phải là môn chính. Nguyên nhân ngay trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi số tiết dạy môn này được quy định đúng 1 tiết/tuần đã nói lên tất cả. Trong khi đó, các môn Toán, Ngữ văn đều 4 tiết/tuần; Lịch sử và Địa lý cũng 1,5 tiết/tuần…

Ở đây không phải là sự so sánh về thời lượng tiết dạy giữa các môn học, điều tôi muốn nói là sự thiếu hợp lý trong việc phân phối chương trình giảng dạy.

Do bố trí thời gian dạy quá ít vì vậy thầy cô dạy môn Giáo dục công dân không có điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn học sinh thực hành xử lý tình huống… để lôi cuốn học sinh.

Tôi chưa nói đến nội dung sách Giáo dục công dân rất khô khan, tình huống thiếu thực tế, nặng về lý thuyết.

Theo tôi sách Giáo dục công dân phải hấp dẫn về nội dung và hình thức. Tại sao chúng ta không đưa những câu chuyện ngụ ngôn, câu chuyện về cuộc sống quanh ta, những tình huống, vấn đề có tính thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng... vào sách? Những câu chuyện đó tôi cho rằng hay hơn việc dạy các em các khái niệm máy móc như: "Thế nào là biết ơn?”, “trung thực là thế nào?”, “thế nào là tôn trọng lẽ phải?”, “chí công vô tư là gì?”…

Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Về thầy cô dạy Giáo dục công dân, phải nói thật rằng một số người cũng chưa có đủ tâm huyết để giảng dạy môn học này vì nhiều lý do.

Trước hết, học sinh, phụ huynh ít quan tâm đến môn học. Họ chỉ đầu tư cho con ở các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh… để dễ chọn trường, ngành nghề khi vào đại học, cao đẳng. Nhiều người quan niệm, môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý chỉ học… cho biết.

Chính vì vậy học sinh chỉ học đối phó. Ngay cả ngành giáo dục cũng chưa thật sự quan tâm đến môn học này. Nhiều thầy cô đã đặt vấn đề: “Tại sao không đưa môn Giáo dục công dân vào tham gia thi học sinh giỏi trường, huyện, tỉnh, quốc gia? Tại sao Giáo dục công dân không là một trong những môn được lựa chọn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm?”.

Từ xưa, xã hội chúng ta quan niệm: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đặc biệt là sư phạm Giáo dục công dân. Thật buồn cho suy nghĩ này!

Năm 1983, sau khi thi tốt nghiệp THPT, tôi không một chút đắn đo quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang chọn ngành sử - chính trị (Giáo dục công dân) mà tôi yêu thích để học. Năm 1986, tốt nghiệp ra trường, được phân công giảng dạy môn học mình yêu thích, tôi rất đỗi tự hào.

Vì vậy tôi giành nhiều thời gian tâm huyết cho việc giảng dạy. Kết quả, tôi được công nhận giáo viên có tiết dạy giỏi lớp 9 cấp huyện năm 2001. Năm 2002, tôi được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Trong trường học, thật sự thầy cô dạy Giáo dục công dân cũng bị đồng nghiệp “nhìn” dưới góc độ không mấy thiện cảm.

Đặc biệt, mỗi khi học sinh vi phạm nội quy như đánh nhau, vô lễ, quay cóp trong giờ kiểm tra, vi phạm luật giao thông… họ đều đổ lỗi cho thầy cô dạy Giáo dục công dân không đến nơi đến chốn. Giáo dục học sinh sống tử tế, biết yêu thương… không phải chỉ là trách nhiệm của thầy cô dạy môn Giáo dục công dân mà là của cả nhà trường, gia đình, xã hội, các đoàn thể. Trong đó, người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh sau này.

Theo tôi để giảng dạy có hiệu quả môn Giáo dục công dân không cần phải dạy lý thuyết như thế nào, vì sao, biểu hiện, rèn luyện, ý nghĩa… những phẩm chất đạo đức, những chuẩn mực pháp luật suông.

Thầy cô nên dùng phương pháp nêu gương, hành vi… bằng những việc làm, hành động, thái độ ứng xử cụ thể trước các tình huống trong cuộc sống hàng ngày để giáo dục học sinh.

Ví dụ khi dạy bài 16 (lớp 8) về Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác, tôi đã đọc thông tin trên các trang báo để dạy các em.

Thay vì cho học sinh đọc phần: "Đặt vấn đề" trong sách giáo khoa trang 44, 45 như thường lệ, tôi quyết định dùng thông tin trên báo để nói chuyện cùng các em.

Đó là thông tin “Đỗ Văn Bằng, lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã trả lại hơn 40 triệu đồng cho người mất và em Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng trả lại 44 triệu đồng cho đánh rơi.

Nếu chúng ta thay đổi quan điểm, thầy cô đầu tư hơn nữa về phương pháp giảng dạy cùng với việc bộ GD-ĐT thay đổi về chương trình, nội dung sách giáo khoa, khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi tin rằng môn Giáo dục công dân sẽ thăng hoa.

Dù thực tế cuộc sống hiện nay như thế nào, dạy và học môn Giáo dục công dân vẫn là niềm tự hào của tôi và các thầy cô cùng bộ môn.

Nhờ môn học này, cuộc sống sẽ bớt đi phần nào sự đố kị, bon chen, vô cảm… để tình yêu của con người được lan tỏa. Cũng nhờ đó, chúng tôi – những người giáo viên, quên đi nỗi bận tâm Giáo dục công dân là môn chính hay môn phụ?

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả. Bạn đọc có ý kiến về vấn đề trên có thể gửi phản hồi về phần bình luận dưới bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-duc-cong-dan-2130575.html
Zalo