Sáng tạo trên các sản phẩm thổ cẩm
Từ thổ cẩm truyền thống, phụ nữ dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa đã tạo ra sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những người chắp nối cho những sản phẩm thổ cẩm ấy là chị Trần Thị Hiền, dân tộc Tày, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ thổ cẩm Việt Nam (phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa).
Chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở rực rỡ sắc màu thổ cẩm của chị Hiền tại tổ 1, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa. Những ngày này, cơ sở của chị Hiền rộn rã tiếng cười nói của phụ nữ người Mông, người Tày... Họ đang tất bật may thêu những tấm vải thổ cẩm để kịp đơn hàng gửi đi cho các đối tác.
Theo chị Hiền, dịp cuối năm thường là thời điểm lao động “vàng” tại cơ sở của chị, bởi đây là lúc hầu hết bà con đã thu hoạch lúa xong, có nhiều thời gian để may thêu thổ cẩm. Điều đặc biệt, tại đây các sản phẩm không chỉ đơn thuần là những tấm vải thổ cẩm truyền thống mà được sáng tạo thành hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Nghề làm thổ cẩm của các dân tộc tại Sa Pa đã được quan tâm, khôi phục và phát triển. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa độc đáo, thiếu dấu ấn đặc trưng và điểm nhấn của từng dân tộc. Ngoài ra, phần lớn sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân địa phương và các địa bàn lân cận. Vì vậy, với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm về thổ cẩm giúp nâng cao giá trị kinh tế cho bà con, tôi đã tìm cách sáng tạo để đưa thổ cẩm đến gần hơn với khách hàng”, chị Hiền chia sẻ.
Với mong muốn đó, đầu năm 2023, chị Hiền đã liên kết với một số hộ may thêu thổ cẩm thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ thổ cẩm Việt Nam.
Chị Sầm Thị Mị, tổ 1, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa là hộ đầu tiên tham gia liên kết với công ty của chị Hiền. Trước đây, ngoài những lúc làm nông, chị Mị còn may thêu sản phẩm thổ cẩm, đi bán rong để có thêm thu nhập. Thấy sản phẩm của chị Mị có đường nét hoa văn đẹp, chỉ thêu chắc chắn, chị Hiền đã mời chị Mị về công ty của mình. Đến nay, sau hơn một năm có công việc mới, chị Mị đã bỏ hẳn bán rong, vẫn được thêu những hoa văn ưa thích mà thu nhập lại ổn định hơn.
Chị Mị chia sẻ: Trước kia, tôi thường đi rong quanh thị xã Sa Pa để bán thổ cẩm. Còn bây giờ, tôi ngồi nhà, có người mang vải và mẫu đến để thêu mà vẫn có thu nhập, mỗi tháng khoảng 3 - 5 triệu đồng.
Việc may thêu thổ cẩm tại cơ sở của chị Hiền có thể làm thời vụ, không gò bó về thời gian nên ngày càng thu hút nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Hằng ngày, 1 hoặc 2 người trong tổ liên kết sẽ đến cơ sở nhận vải về chia cho các chị em khác may thêu tại nhà, khi hoàn thiện sẽ chuyển sản phẩm lên cơ sở bày bán. Việc này giúp bà con chủ động thời gian, không ảnh hưởng đến công việc thường ngày mà vẫn có thêm thu nhập. Từ một cơ sở nhỏ khi mới khởi nghiệp, hiện nay, công ty của chị Hiền đã có gần 40 phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia liên kết.
Cùng với việc may mới, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Hiền còn góp phần “hồi sinh” những tấm vải thổ cẩm. Từ ngày đầu khởi nghiệp, chị Hiền luôn suy nghĩ, phải làm sao có sản phẩm bền đẹp, giữ nguyên các họa tiết cổ, an toàn cho người sử dụng. Thế rồi, trong một lần hợp tác về thổ cẩm cùng bạn bè, ý tưởng tận dụng sản phẩm thổ cẩm cũ mà người dân bản địa không dùng nữa để sáng tạo thành các sản phẩm có giá trị dần thành hình.
Nghĩ là làm, chị Hiền thu mua những tấm vải, bộ trang phục cũ của bà con để tái chế thành các sản phẩm về trang trí nội thất. Các sản phẩm thổ cẩm của cơ sở chị Hiền làm ra không chỉ phục vụ cơ sở khách sạn, nhà hàng, homestay tại Sa Pa mà còn được đặt hàng để bán cho các cơ sở trong nước và quốc tế.
Một trong những sản phẩm chị Hiền yêu thích nhất đó là bộ trải bàn ăn thổ cẩm “hương rừng Sa Pa”. Bởi theo chị, đây là sản phẩm tái chế “hoàn hảo” mà cơ sở chị đã làm ra. Sản phẩm bộ trải bàn ăn cũng giúp chị Hiền đạt giải B “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Ngoài ra, ý tưởng tái chế thổ cẩm của chị đạt giải Đồng tại Cuộc thi Thách thức sáng kiến kinh doanh do Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai phối hợp với Tổ chức phi chính phủ quốc tế Aide et Action Việt Nam (AEA) tổ chức.
Chị Hiền chia sẻ: Là người trẻ, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, được gắn bó với văn hóa dân tộc nên tôi luôn khao khát giữ gìn những hoa văn, họa tiết, giá trị truyền thống và tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tôi dự định, trong tương lai sẽ phối hợp với chính quyền mở thêm các lớp dạy nghề, giúp bà con nâng cao trình độ, có thêm nhiều cơ hội việc làm. Hy vọng, thổ cẩm Sa Pa sẽ khoe sắc ngày càng rộng hơn, xa hơn, hiện hữu không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Chị Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ thổ cẩm Việt Nam
Sự sáng tạo của chị Hiền đã “thổi” làn gió mới vào các sản phẩm thổ cẩm, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số cùng nhau hiện thực hóa ước mơ phát triển nghề truyền thống.