Sáng tạo robot - sân chơi hữu ích của sinh viên

Sáng tạo robot không chỉ là niềm đam mê khám phá khoa học – công nghệ mà còn là nền tảng tri thức, hành trang cho nhiều sinh viên bước vào đời.

 Một công đoạn lắp ráp robot

Một công đoạn lắp ráp robot

Bắt đầu từ đam mê

Nguyễn Cửu Sửu, sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa - Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) sớm đam mê điện tử. Ngày nhỏ, Sửu có sở thích tìm tòi, khám phá đồ chơi có mạch điện bên trong, tháo ra rồi lắp vào xem có gì bên trong, hoạt động ra sao. Lớn lên, Sửu được tiếp cận với nhiều loại điện tử hiện đại hơn, như: máy tính xách tay, máy tính bàn, các thiết bị học tập chuyên dụng..., từ đó ý tưởng chế tạo người máy robot với Sửu càng cháy bỏng.

Sửu chia sẻ, em bắt đầu chế tạo robot từ những năm đầu tiên trên ghế giảng đường đại học (2021). Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) gấp rút huy động lực lượng để chế tạo “Robot tuần tra và vận chuyển hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh”. Sửu là một trong các sinh viên được tham gia hoạt động này và rất may mắn khi dịp này Sửu cũng được góp mặt để bàn giao, vận hành thực tiễn robot ở những nơi đang được sử dụng làm khu cách ly dịch bệnh.

Hậu COVID-19, nhóm của Sửu tiếp tục phát triển ý tưởng robot trên để chế tạo mẫu robot tiếp theo: “Robot tuần tra và vận chuyển hàng hóa” ứng dụng trong các ngành dịch vụ. Với ý tưởng đó, nhóm đã đăng ký tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” tổ chức tại Vĩnh Phúc năm 2022 và đạt Top 15 chung cuộc. Những năm kế tiếp, nhóm của Sửu tiếp tục nghiên cứu chế tạo các mô hình cánh tay robot, vừa là cơ hội để ứng dụng kiến thức được học vừa được trải nghiệm thông qua các cuộc thi “Sáng tạo khoa học - kỹ thuật” và đã được một số giải thưởng nhất định.

Quá trình chế tạo robot, mỗi công đoạn đều gặp những khó khăn và vấn đề phát sinh nhất định. Việc phải phân bố thời gian tiếp thu kiến thức và tiếp xúc nhiều với công nghệ để tránh lạc hậu có thể là trở ngại nhất. Cùng với đó, khoảng cách từ ý tưởng đến mô hình và sản phẩm thực cần có sự đầu tư chi phí ban đầu tương đối lớn.

Đối mặt với những khó khăn và trở ngại đó, Sửu và cả nhóm đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ người thân, bạn bè và thầy cô. Để giải quyết vấn đề kỹ thuật, nhóm tập hợp các bạn sinh viên theo học những ngành học liên quan đến robot, từ tự động hóa, kỹ thuật điện, lập trình đến các bạn khoa dữ liệu và AI. Hơn hết là sự đồng hành của các thầy cô trong khoa với chuyên môn vững chắc và hiểu biết rộng. Khoa còn kết nối một số đơn vị doanh nghiệp đến tổ chức các buổi đào tạo sát thực tiễn hơn về thiết bị - linh kiện - máy móc.

Sửu tâm sự, học luôn đi đôi với hành, chế tạo robot là một trong những cách giúp em thực hành kiến thức đã học. Qua thời gian hoạt động, bản thân em đã có nhiều kinh nghiệm quý giá và đó cũng là những bài học khó quên khi các bạn chính thức bước vào thực tiễn cuộc sống.

Sân chơi quen thuộc

PGS.TS Nguyễn Quang Lịch, Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cho rằng, chế tạo cũng như các cuộc thi robot là sân chơi quen thuộc dành cho các sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp thuộc khối kỹ thuật trên toàn quốc. Robocon đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ, một phần ước mơ và khát vọng tuổi trẻ đối với sinh viên và hàng triệu khán giả đã và đang theo dõi các cuộc thi trên sóng truyền hình. Chế tạo và các cuộc thi robot sẽ thúc đẩy niềm đam mê và sáng tạo của sinh viên khối ngành kỹ thuật trên địa bàn thành phố Huế.

Với chủ đề “Khám phá Hoàng thành Huế”, Cuộc thi “ROBOCON HUET-2024” đã lan tỏa hình ảnh Kinh thành Huế đến với nhiều khán giả cũng như các bạn trẻ biết đến một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh đặc sắc của Huế thông qua hành trình khám phá ấn tượng của các chú robot đáng yêu.

Thông qua cuộc chơi, nhiều sinh viên trưởng thành trong công việc và cuộc sống sau khi bước ra từ sân chơi này, trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học, những doanh nhân và kỹ sư tài năng trong nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ, tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo, điện - điện điện tử, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/sang-tao-robot-san-choi-huu-ich-cua-sinh-vien-152395.html
Zalo