Sáng tạo, bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Với phương châm hành động năm 2024 'Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả', Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã có nhiều giải pháp đổi mới, đột phá trong quản lý Nhà nước về ANTT... cung cấp nhiều tiện ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân. Với thành tích đạt được, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. Đây là niềm tự hào đối với tập thể đơn vị và CBCS khi 5 năm liên tục vinh dự được nhận danh hiệu.
Cải cách hành chính, dịch vụ công
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai chương trình công tác với 4 nhiệm vụ đột phá và 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cùng những bước đi vững chắc, thần tốc với khẩu hiệu hành động “Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả”, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH hoàn thành xuất sắc các mặt công tác trọng tâm với những kết quả nổi bật.
Trong đó, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tập trung xây dựng, hoàn thiện 21 văn bản quy phạm pháp luật, vượt tiến độ được giao. Đơn cử, tham mưu Bộ đề xuất Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT); Luật Dữ liệu. Hai luật này được ban hành đã thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh những vấn đề trọng yếu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước; là dấu mốc quan trọng, tạo sự thống nhất, đồng bộ, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển Chính phủ số, cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Cục còn đề xuất Chính phủ ban hành 5 Nghị định; chủ trì tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 8 Thông tư; đang hoàn thiện, lấy ý kiến tham gia dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung, 3 Thông tư.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính là điểm sáng với nhiều giải pháp được đẩy mạnh như hoàn thiện Cổng dịch vụ công cư trú, điều chỉnh các dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký quản lý cư trú; nâng cấp phần mềm nội ngành đối với Cơ sở dữ liệu dùng chung 3 lĩnh vực Ngành nghề kinh doanh có điều kiện, con dấu, VK; đối với số hóa, tạo lập dữ liệu, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã và đang hỗ trợ các đơn vị, địa phương tạo lập dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tham mưu hướng dẫn kết quả số hóa thủ tục hành chính về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu, VK-VLN-CCHT.
Triển khai thí điểm thành công việc khai thác cơ sở dữ liệu đất đai để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú tại Bình Dương và Đồng Nai. Người dân tại Bình Dương, Đồng Nai không phải đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, không phải công chứng thẻ Căn cước trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, không phải đính kèm thông tin giấy tờ chứng minh nhân thân, tình trạng hôn nhân để giải quyết thủ tục liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất. Đến nay, đã cung cấp 50/76 dịch vụ công thiết yếu trên cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành việc kết nối 2 dịch vụ công liên thông tại 63 địa phương; kết nối thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với phần mềm dịch vụ công liên thông; qua đó đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ 97,96%. Một số dịch vụ công được người dân hưởng ứng, có tỷ lệ trực tuyến cao như: thông báo lưu trú; đăng ký con dấu; cấp Giấy phép sử dụng VK, CCHT.
Quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06
Với vai trò thường trực của Đề án 06, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã định kỳ tham mưu cho Tổ công tác Chính phủ, Bộ Công an tổ chức giao ban để kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc công việc; tham mưu giải quyết các "điểm nghẽn" trong triển khai thực hiện. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác Cảnh sát QLHC về TTXH toàn quốc.
Việc đưa vào vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử và tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ 1/7/2024 đã thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia theo các nhóm: Giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; công dân số; phát triển kinh tế xã hội; làm giàu dữ liệu; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Tham mưu phát triển các tiện ích trên VNeID để phục vụ các sự kiện của đất nước được người dân ủng hộ như: Triển khai Sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID, triển khai quét QR code trên thẻ CCCD để kiểm soát an ninh ra vào Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngân hàng triển khai giải pháp “Chung tay hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên VNeID”, đảm bảo công khai, minh bạch; triển khai 33 tiện ích trên ứng dụng VNeID, điểm nhấn là triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc. Triển khai Đề án chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc áp dụng Bệnh án điện tử. Đến nay, toàn bộ 21 bộ, ngành và 63 địa phương đã triển khai giải pháp chuyển đổi sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực trực tuyến.
Cục cũng đã tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (AND) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ, là giải pháp căn cơ để xác định danh tính cho 300.000 liệt sĩ.
Luật Căn cước năm 2023 đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc
Từ ngày 01/7/2024 Luật Căn cước chính thức có hiệu lực và từng bước đi vào cuộc sống. Người gốc Việt chưa xác định quốc tịch được cầm trên tay giấy chứng nhận căn cước. Không chỉ là niềm hạnh phúc vô bờ, mà còn khẳng định bước tiến quan trọng của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người. Điều này càng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của đất nước trong quản lý người dân sinh ra có gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất Việt Nam và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua gần nửa năm triển khai, những điểm mới được quy định trong Luật đã được người dân đánh giá cao bởi các nhóm chính sách của Luật đã bám sát với đời sống thực tiễn của người dân. Đông đảo người dân hào hứng, phấn khởi khi được cầm trên tay chiếc thẻ Căn cước mới với rất nhiều lợi ích mang lại.
Triển khai Luật căn cước 2023 từ ngày 1/7 đến nay, toàn quốc đã cấp 12,74 triệu thẻ Căn cước, trong đó 3,63 triệu trường hợp dưới 6 tuổi; 9,11 triệu trường hợp từ đủ 6 tuổi trở lên. Cấp 484 Giấy chứng nhận Căn cước; thu nhận 1.994 trường hợp tích hợp giọng nói, 801 mẫu AND vào cơ sở dữ liệu Căn cước.
Đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã kiểm tra 20.828 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, xử lý hình sự 18 vụ với 24 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 2.649 trường hợp vi phạm với số tiền gần 13,7 tỷ đồng; thu hồi 159 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để kinh doanh dịch vụ cầm đồ; rà soát phát hiện 428 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” chiếm 1,8% tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 167 cơ sở kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính, 9 công ty tư vấn luật, mua bán nợ có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”.
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm pháp luật về VK-VLN-CCHT và pháo. Theo đó, năm 2024, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 3.421 vụ, 7.268 đối tượng (tăng 416 vụ = 13,8%, 937 đối tượng = 14,8% so với năm 2023); thu 1.946 khẩu súng các loại (tăng 381 khẩu = 24,3% so với năm 2023). Về pháo, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 4.478 vụ, 5.811 đối tượng (tăng 1.861 vụ = 71%; tăng 2.387 đối tượng = 69,7% so với năm 2023); thu 77.444,4kg pháo (tăng 20.452,4kg pháo = 35,9% so với năm 2023), 36.846 quả pháo, ống pháo, 319kg thuốc pháo; khởi tố 1.262 vụ, 1.784 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 2.701 vụ, 3.240 đối tượng, phạt tiền 22.680,3 triệu đồng; đã vận động thu hồi 29.192 khẩu súng các loại, 2.595kg pháo, 25.444 quả pháo, 255,24kg thuốc pháo.
Khép lại một năm với rất nhiều nỗ lực và những dấu ấn đột phá, năm 2025, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH thống nhất nhận thức, kiên định, quyết tâm thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, các mặt công tác QLHC về TTXH, lấy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm điểm đột phá; góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.