Việt Nam ghi nhận kỷ lục về số ca hiến tạng

Năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục về số ca hiến tạng với 41 gia đình đồng ý hiến tặng mô tạng người thân sau khi chết não

Chiều 7-1, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển 2025.

Tại hội nghị, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng năm 2024, đã có 41 người chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng.

Theo PGS Đồng Văn Hệ, số người đăng ký hiến mô tạng tăng cao trong năm 2024

Theo PGS Đồng Văn Hệ, số người đăng ký hiến mô tạng tăng cao trong năm 2024

"Số ca ghép tạng từ người cho chết não tăng mạnh so với năm 2023. Cùng đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não tăng gấp 3 lần. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam từ trước tới nay"- PGS Hệ nói.

Với tốc độ tăng số ca hiến và ghép tạng từ người cho chết não như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, 2024 là năm mà chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam.

"Mỗi hành động hiến tạng là một câu chuyện của lòng nhân ái, tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống. Chúng ta trân trọng và biết ơn sâu sắc những người hiến tạng và gia đình họ - những "người hùng thầm lặng" của cuộc sống"- ông Thuấn nhấn mạnh.

Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm.

Thứ trưởng Thuấn cho biết 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, dù vậy hiến - ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Quân y 175

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Quân y 175

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho rằng dù kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đạt trình độ cao, nguồn tạng chủ yếu vẫn đến từ những người hiến tặng còn sống. Trong khi các nước phát triển thường dựa vào nguồn tạng từ người chết não

Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ xem xét thanh toán 100% chi phí cho ghép thận, bao gồm toàn bộ các bước từ tư vấn, vận động đến ghép, điều trị sau ghép.

Theo thống kê của cơ quan BHXH, ghép tạng có chi phí thấp hơn điều trị nội khoa. Chẳng hạn chi phí ghép thận và sau điều trị chỉ bằng nửa mức điều trị hàng ngày lúc bệnh nhân chạy thận. Cuộc sống của người được ghép thận kéo dài hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Đề xuất cho phép trẻ em, người chết tim hiến tạng

PGS Đồng Văn Hệ cho biết trong năm 2025, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, đề xuất cho phép trẻ em và người chết tim được phép hiến mô tạng.

Nếu đề xuất này được chấp thuận có thể sẽ gia tăng nguồn tạng hiến, tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân khác, đặc biệt là trẻ em.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-ghi-nhan-ky-luc-ve-so-ca-hien-tang-196250107182058576.htm
Zalo